Giáo dục vùng sâu: Nhiều khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, sự quan tâm đặc biệt của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cũng như chính quyền địa phương đã khiến cho diện mạo giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có nhiều khởi sắc.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
 
“Muốn nâng cao chất lượng giáo dục của toàn tỉnh thì phải nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Sở GD-ĐT đã đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể để từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng, đặc biệt chất lượng giáo dục ở những vùng sâu phải được cải thiện, được nâng lên từng ngày”-ông Huỳnh Minh Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết.

 

Học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Sơn Lang, huyện Kbang) được vui chơi, học tập trong môi trường tốt không thua kém gì các trường ở vùng thuận lợi. Ảnh: N.G

Một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao giáo dục vùng sâu là phát triển tốt hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú bởi đây là lời giải hay nhất cho bài toán duy trì sĩ số học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó. Bên cạnh đó, đối với học sinh dân tộc thiểu số, không thể coi nhẹ công tác tăng cường tiếng Việt. Cơ sở để làm tốt công tác này là tăng cường số trường, số lớp học 2 buổi/ngày, nhất là ở bậc tiểu học. Thêm một giải pháp mà Sở GD-ĐT đang áp dụng rất hiệu quả là giao chỉ tiêu chất lượng ngay từ đầu năm và tổ chức bàn giao chất lượng học sinh cuối năm. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức hội nghị chuyên đề về những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ ở từng cơ sở giáo dục để thống nhất giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn.

Cùng với đó, thời gian qua, Sở đã tiến hành thanh-kiểm tra hoạt động chuyên môn của một số trường cấp THCS, tiểu học và mầm non-công việc mà trước đây Sở giao toàn quyền cho các Phòng GD-ĐT.

Tạo thêm nhiều điểm sáng

Năm học 2016-2017, việc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, huyện Kbang) được công nhận đạt chuẩn quốc gia được coi là một trong những sự kiện khá nổi bật của ngành GD-ĐT tỉnh nhà. Là ngôi trường ở một xã xa nhất tỉnh với rất nhiều khó khăn khi học sinh dân tộc thiểu số Bahnar chiếm gần 100%, nhưng sự quan tâm của chính quyền các cấp, của ngành và đặc biệt là tâm huyết của những thầy cô cắm làng đã khiến ngôi trường này trở thành điểm sáng về giáo dục vùng sâu. Ngoài ra, cũng tại huyện Kbang, rất nhiều cái tên xã được nhắc đến khi đề cập đến vấn đề giáo dục vùng sâu như Đak Rong, Krong, Sơn Lang, Kông Pla... khi ở những nơi này chất lượng giáo dục đang dần được khẳng định.

Trước đó, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT cũng đã cho thấy chất lượng giáo dục vùng sâu từng bước được nâng lên rõ rệt. Là một ngôi trường vùng biên giới mới được thành lập năm 2014 với rất nhiều khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học nhưng với tâm huyết của những người làm giáo dục, ngôi trường này đã trở thành một điểm sáng nơi vùng phên dậu. “Ngoài sự nỗ lực khắc phục khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường thì phải nói rằng những phong trào thi đua như duy trì sĩ số học sinh; phong trào nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT phát động đã tác động lớn đến tinh thần dạy và học trong toàn trường. Thầy và trò đều có chung mục tiêu để hướng tới là không còn học sinh bỏ học, không còn học sinh thi rớt THPT”-thầy Nguyễn Phước-Hiệu trưởng Trường THPT A Sanh cho biết.

Nhiều người vẫn cho rằng giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thể đạt đến chất lượng tối đa. Tuy nhiên, bằng những giải pháp cụ thể, bằng tâm huyết và quyết tâm, những người làm giáo dục đã đưa giáo dục vùng sâu lên một tầm cao mới, góp phần lớn vào chất lượng chung của toàn ngành.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm