Báo xuân

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Tây Sơn Thượng đạo rất đặc biệt đối với tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Tròn 40 năm trở lại vùng đất Tây Sơn Thượng đạo tính từ lần đầu tiên đặt chân đến vào năm 1976, Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân NGUYỄN QUANG NGỌC-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, không khỏi bồi hồi xúc động. Bởi lẽ, đây là nơi từng gắn bó và chứa đựng nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với ông trong buổi đầu vào nghề.

* P.V: Trong chuyến đi thực tế đầu tiên đến vùng đất này, ông đã thu thập được những tư liệu gì để phục vụ cho công việc nghiên cứu của mình, thưa Giáo sư?

 

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc.

- Giáo sư NGUYỄN QUANG NGỌC: Trước đây, tôi chỉ đọc các tư liệu nói về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thôi chứ không có một hình dung cụ thể nào cả. Khi vào đây, tôi phải học lại từ đầu, đi tận vào các thôn xóm để tìm hiểu về phong tục, tập quán, lịch sử, văn hóa… và nhận ra lý do vì sao nhà Tây Sơn lại chọn vùng đất này để xây dựng căn cứ địa.

Nói đến xây dựng căn cứ địa, người ta phải nghĩ đến “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” và nơi đây hội tụ đủ cả 3 yếu tố đó. Bấy giờ, phong trào đấu tranh trong cả nước bùng nổ ở khắp nơi nhưng chưa có điều kiện để quy tụ, kết lại thành một lực lượng thống nhất và đây là chỗ có điều kiện để tập hợp lực lượng. Có thể thấy, vùng này cách xa so với trung tâm chính quyền phong kiến lúc ấy là Phú Xuân (Huế), tiện cho việc tổ chức và tập hợp lực lượng để chống lại sự thối nát của triều đình. Hơn nữa, tuy xa nhưng Tây Sơn Thượng đạo lại là đầu mối giao lưu giữa miền Thượng với miền xuôi và ngược lại. Ở đây có con sông Ba chảy qua nên đường bộ và thủy đều thuận lợi. Ta có thể hình dung An Khê là bậc thang thứ 2 lên Tây Nguyên và là bậc thứ nhất xuống đồng bằng. Địa hình thuận lợi như thế vừa giúp cho anh em nhà Tây Sơn làm bàn đạp tiến xuống bên dưới, khi khó khăn lại giúp họ có thể rút lên rừng núi để bảo toàn lực lượng. Mặt khác, mảnh đất này cũng hội tụ nhiều người có mâu thuẫn với chính quyền phong kiến, có thể gọi họ là lực lượng tinh hoa để chống lại triều đình thối nát. Đó là nhận thức đầu tiên rất mới mẻ của tôi khi đến đây.

Ngoài ra, lúc đầu tôi tưởng tượng vùng Tây Sơn Thượng đạo cũng nhỏ thôi, chỉ gồm 1-2 ngôi làng ở xung quanh thị trấn An Khê. Bởi trong sử chỉ chép đến ấp Tây Sơn Nhất và ấp Tây Sơn Nhì, tức là An Khê và Cửu An bây giờ nên tôi chỉ khoanh vùng như thế. Nhưng khi lên đến An Khê thì tôi mới nhận ra rằng, đây là một vùng rất rộng lớn mà trung tâm là thôn An Khê và An Khê Trường như một sở chỉ huy. Rồi quanh đó là núi ông Bình, núi ông Nhạc, sang bên kia là cánh đồng Cô Hầu, xuôi xuống dưới tầm 7-8 km nữa là Hòn đá ông Nhạc rồi Sa khổng lồ, Hồ ông Nhạc… Lúc ấy, tôi có cảm giác mình bị hoa mắt bởi vì diện trường quá rộng lớn trong khi trước kia tôi cũng không tưởng tượng được căn cứ địa của nhà Tây Sơn rộng lớn như vậy.

Sau một tháng khảo sát, đo đạc, nghiên cứu kỹ lưỡng từng di tích trở về, tôi làm một khóa luận tốt nghiệp đại học và khi ra trường thì được giữ lại để làm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

 

Thị xã An Khê tổ chức lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa hàng năm tại di tích An Khê Trường. Ảnh: H.T
Thị xã An Khê tổ chức lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa hàng năm tại di tích An Khê Trường.   Ảnh: H.T

Đến những năm 1986-1987, tỉnh Nghĩa Bình tổ chức làm mới Bảo tàng Quang Trung và xuất bản các sách về Tây Sơn trên vùng đất này. Cán bộ giảng dạy chúng tôi dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Phan Huy Lê đã tham gia sự kiện này và tiếp tục điều tra, nghiên cứu, khảo sát và tìm thêm được nhiều tư liệu khác ở miền Tây Sơn Hạ đạo (Bình Định) và đặc biệt là An Khê, trong đó có Kho tiền ông Nhạc. Chúng tôi còn mở rộng phạm vi nghiên cứu đến tận vùng vườn cam Vĩnh Sơn, Kon Hà Nừng và xuôi xuống dưới phía Nam của huyện An Khê lúc đó. Thậm chí, chúng tôi còn nghĩ tới khu vực phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai như: Ayun Pa, Phú Thiện… cũng sẽ có nhiều tư liệu liên quan đến vấn đề này nhưng lúc đó theo yêu cầu tư liệu của Nghĩa Bình chúng tôi chỉ có thể mở rộng một phần chứ không thể nào mở rộng như hiện nay được.

Bộ Quốc sử Việt Nam-tổng kết toàn bộ quá trình nghiên cứu về lịch sử ở trong nước và quốc tế-có 25 tập chính sử và 5 tập biên niên. Đề án này do Giáo sư Phan Huy Lê làm Chủ nhiệm và tôi được phân công làm Phó Chủ nhiệm. Và trong đề án có 1 tập mà Giáo sư Phan Huy Lê cũng đồng thời là chủ biên đó là tập Thời Tây Sơn. Theo sự chỉ đạo của thầy, chúng tôi lại tiếp tục vào Tây Sơn Thượng đạo để tập hợp, khai thác, kiểm tra lại toàn bộ tư liệu đã có; đồng thời mở rộng xuống thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, thủy xá, hỏa xá… và cả khu vực Bình Định, Phú Yên.

* P.V: Cảm nhận của Giáo sư ra sao trong lần trở lại này và theo ông, địa phương cần làm gì để phát huy tối đa giá trị của các di tích hiện có?

 

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (trái) trao đổi với các thành viên trong đoàn về hiện trạng một số di tích hiện nay. Ảnh: Ảnh: H.T
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (trái) trao đổi với các thành viên trong đoàn về hiện trạng một số di tích hiện nay. Ảnh: Một Trà

- Giáo sư NGUYỄN QUANG NGỌC: Sau chuyến trở lại này, tôi lại có thêm nhiều nhận thức mới, hiểu về căn cứ địa buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn một cách toàn diện hơn. Tôi cũng hết sức xúc động khi biết Gia Lai gần đây đã quan tâm, đầu tư nguồn kinh phí tương đối khá cho việc bảo tồn khu di tích. Đây là một cố gắng đáng được hoan nghênh. Tôi chỉ có một đề nghị rằng địa phương nên gắn việc bảo tồn, tôn tạo với phát huy giá trị của di tích và một trong những lợi thế rất lớn là phát huy thông qua phát triển du lịch.

Tây Sơn Thượng đạo có điều kiện thuận lợi là tất cả các di tích về Tây Sơn rất đậm đặc, đặc trưng, có giá trị văn hóa cao. Nếu như biết khai thác giá trị này thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của người đi du lịch về văn hóa, mà sức mạnh du lịch về văn hóa là sức mạnh kết nối các di tích, các điểm du lịch lại với nhau thành một tour du lịch tổng hợp. Chẳng hạn, khi đi thăm Cánh đồng Cô Hầu, chúng ta kết hợp với du lịch sinh thái hoặc là thăm đình làng Cửu An, đình An Lũy. Hoặc khi vào Đê Chơ Gang nếu chỉ để xem Hòn đá ông Nhạc không thôi thì rất nhạt nhẽo, do đó nên đưa du khách đi tham quan, tìm hiểu xem cư dân Bahnar ở đó sinh sống thế nào, phong tục tập quán của họ ra sao và giải thích mối quan hệ gắn kết giữa người Bahnar với phong trào Tây Sơn như thế nào…

Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch thì tôi phải nói ngay rằng cơ sở hạ tầng như hiện nay chưa đáp ứng. Các trục giao thông chính khá tốt nhưng tuyến đường dẫn vào các điểm di tích còn quá khó khăn. Do đó, chúng ta phải nghĩ đến cơ sở hạ tầng về du lịch, rồi còn cả dịch vụ cho du lịch như: chỗ ăn, nghỉ ngơi hay những món quà lưu niệm... Tôi cho rằng những di tích lịch sử-văn hóa là một nguồn lực rất quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta làm du lịch, làm kinh tế bằng mọi giá mà cần bảo tồn di tích, bảo tồn môi trường sinh thái lẫn cảnh quan.

* P.V: Xin cảm ơn Giáo sư!

Mộc Trà (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm