Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai về việc chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương quyết liệt vào cuộc.

Sau 7 tháng triển khai, với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị các huyện Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông, trong đó lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt, hoạt động này đã phát huy hiệu quả, hình thành các “vùng xanh” trên tuyến biên giới.

So với các tỉnh có đường biên giới trong cả nước thì Gia Lai được đánh giá là “vùng xanh”: không phải là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và không để xảy ra tình trạng tội phạm lợi dụng đường biên giới để buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy. Tuy nhiên, hệ lụy do ma túy gây ra trên địa bàn các xã biên giới đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng.

Những đứa con tội lỗi

Những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến vùng biên giới. Hệ thống điện-đường-trường-trạm nơi đây được đầu tư bài bản; đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Thế nhưng, trong “gam màu sáng” ấy vẫn còn nhiều câu chuyện buồn xuất phát từ ma túy.

Tháng 7, trời mưa như trút nước nhưng chúng tôi vẫn lặn lội đến làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) để tìm hiểu về gia cảnh của Rơ Mah Đương (26 tuổi) và Siu Thác (19 tuổi). Đây là 2 trong 5 đối tượng vừa bị Công an huyện Đức Cơ khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân, lực lượng Công an các huyện, xã biên giới luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Ảnh: Hữu Trường

Trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân, lực lượng Công an các huyện, xã biên giới luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Ảnh: Hữu Trường

Rơ Mah Đương đã có vợ và 1 con nhỏ, đang sống chung nhà với bố mẹ vợ. Từ ngày Đương bị bắt, ông Siu Loái (bố đẻ của Đương) cả ngày buồn bã, không muốn lên nương rẫy. Thấy vậy, bà con trong làng quan tâm lui tới động viên gia đình.

Ông Loái ngậm ngùi chia sẻ: “Nghèo khổ thế nào mình cũng chịu được. Nhưng con phạm tội bị bắt giữ thì mình buồn lắm, đêm chẳng ngủ được, ban ngày cũng chẳng làm được việc gì cho trọn vẹn.

Gia đình vốn đã nghèo, khi sinh nó ra, nuôi nó lớn khó khăn lắm. Vợ chồng mình chỉ mong con cái tu chí làm ăn, phát triển kinh tế. Thế nhưng, nó không nghe lời, chỉ thích chơi bời. Mong rằng sau lần này, nó nhận biết tội lỗi, thành khẩn khai báo với cơ quan chức năng để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.

Chị Rơ Lan H’Dă (vợ của Đương) ngồi bệt ở góc nhà, ôm đứa con nhỏ, thỉnh thoảng lại đưa tay gạt vội dòng nước mắt. Chị ngậm ngùi than thở: “Đương không thương vợ con, không chịu đi làm, chỉ thích chơi bời, uống rượu. Nhiều lần, Đương trộm cắp tài sản bán lấy tiền tiêu xài, mua ma túy để sử dụng.

Em và mọi người thường xuyên khuyên bảo nhưng Đương không nghe. Chính quyền cũng nhiều lần đưa ra kiểm điểm trước dân rồi. Hoàn cảnh của em rất khó khăn, khổ tâm lắm. Bây giờ, em phải cố gắng đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi con”.

Gia cảnh của bà Siu Choi (mẹ của Siu Thác) cũng đặc biệt khó khăn. Căn nhà của gia đình được ghép bằng những tấm ván và bên trong không có vật dụng gì đáng giá. Từ ngày Thác bị cơ quan Công an khởi tố, bắt giam, bà Choi khóc cạn nước mắt. Vừa tức giận đứa con hư hỏng, bà vừa buồn tủi cho gia cảnh thiếu thốn của mình.

Bà Choi tâm sự: “Mình sinh nó ra nhưng chẳng dạy dỗ được. Mỗi lần thấy nó sai, mình khuyên bảo nhưng nó không nghe, còn lớn tiếng cãi lại. Ngay từ nhỏ, nó đã hư hỏng, giờ lớn lên cũng không thay đổi được. Giờ nó gây tội thì phải chịu, gia đình cũng chẳng biết làm sao được”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thao-Phó Trưởng Công an xã Ia Nan-cho biết: “2 đối tượng Rơ Mah Đương và Siu Thác đã từng nhiều lần phạm tội nhưng do chưa đủ tuổi để xử lý hình sự nên cơ quan Công an đã lập hồ sơ đưa đi học tập, giáo dục tập trung tại trường giáo dưỡng. Sau khi trở về địa phương, cả 2 vẫn không tu chí làm ăn mà thường xuyên tụ tập ăn chơi, nhiều lần trộm cắp vặt đã bị Công an xã phát hiện, có các biện pháp xử lý phù hợp và lập hồ sơ đưa vào diện quản lý.

Vừa qua, 2 đối tượng tiếp tục có hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, bị cơ quan Công an và Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Ma túy-nguồn gốc phát sinh nhiều hệ lụy

Trong số những trường hợp từng liên quan đến ma túy đã chấp hành xong án phạt tù trở về các xã biên giới có không ít người quyết tâm đoạn tuyệt với “cái chết trắng” để làm lại cuộc đời.

Trường hợp anh N.V.Đ. (21 tuổi, trú tại xã Ia O, huyện Ia Grai) là một điển hình. Đ. từng phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy và bị xử phạt 1 năm tù. Chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, Đ. chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Được gia đình và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, anh mở tiệm sửa xe máy và quyết tâm từ bỏ ma túy.

Công an xã Ia O (huyện Ia Grai) và Bộ đội Biên phòng tích cực tham mưu giúp chính quyền địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh ngăn chặn ma túy. Ảnh: H.T

Công an xã Ia O (huyện Ia Grai) và Bộ đội Biên phòng tích cực tham mưu giúp chính quyền địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh ngăn chặn ma túy. Ảnh: H.T

Anh Đ. chia sẻ: “Tôi từng sử dụng ma túy, sau đó dính vào tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã hơn 1 năm, tôi thường xuyên được các anh Công an xã đến nhắc nhở, động viên. Tôi đã lấy vợ và có con, giờ phải chăm lo làm ăn.

Thực tế, khi thanh-thiếu niên mà dính vào ma túy thì rất khó dứt ra được, cứ vướng vào vòng luẩn quẩn mua ma túy sử dụng và bán kiếm lời, rồi lấy số tiền đó tiếp tục mua ma túy. Khi tôi nhận thức được và quyết tâm từ bỏ ma túy, gia đình rất vui mừng. Giờ đây, tôi cảm nhận cuộc sống rất ý nghĩa”.

Gia Lai có đường biên giới dài hơn 80 km tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Đường biên giới của tỉnh đi qua 7 xã gồm: Ia Nan, Ia Dom, Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), Ia Mơ, Ia Púch (huyện Chư Prông), Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai). Hiện có trên 12.800 hộ với hơn 47.900 khẩu gồm các dân tộc: Jrai, Kinh, Bahnar, Mường, Tày, Thái, Nùng... sinh sống ở các xã biên giới.

Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-khẳng định: “Ma túy để lại rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là làm ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận thanh-thiếu niên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Các cháu khi sử dụng ma túy sẽ tìm mọi cách để ép bố mẹ phải cho tiền và bán tài sản có giá trị như đất đai, nương rẫy để mua xe máy đắt tiền, rồi ăn chơi, đua đòi.

Từ ma túy sẽ phát sinh nhiều loại tội phạm, hệ lụy như trộm cắp, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự tại địa phương.

Xã Ia O hiện có 6 trường hợp chấp hành xong án phạt tù về các tội liên quan đến ma túy. Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy”.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác, thời gian qua, Công an các xã biên giới đã chủ động tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, nhắc nhở, xử lý những trường hợp thanh-thiếu niên tụ tập chơi bời, ăn nhậu, hút chích, sau đó điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng gây mất an ninh trật tự.

Đồng thời, Công an các xã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt công tác trinh sát nắm chắc tình hình, kiểm soát đối tượng lạ mặt từ địa phương khác đến vùng biên giới; tập trung xác minh các nguồn thông tin do người dân cung cấp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến ma túy.

Có thể bạn quan tâm