Phóng sự - Ký sự

Góp nhặt hồn quê vào tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xem tranh ông, chúng ta như đang trở về tuổi thơ với những khung cảnh của một làng quê yên bình, một bản làng hoang vu hay những giếng nước, đống rơm..., chiếc cầu ao quen thuộc.

Trong căn nhà lợp tôn giản dị bên Quốc lộ 1A ồn ã tiếng ôtô qua lại mỗi ngày, người dân xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa luôn thấy hình ảnh một ông già với mái tóc dài ngã màu thời gian, ngồi cặm cụi bên giá vẽ, khua tay trên nền giấy trắng. Đó là họa sĩ Lê Mai.

Vẽ bằng cả trái tim

Lần chúng tôi tới thăm gần đây, họa sĩ Lê Mai đang phác họa dở bức tranh về một ngôi làng nhỏ ông đã đi thực tế trước đó vài ngày, khi ở trại sáng tác.

"Mình mới đi Pù Luông về, liền ngồi vào giá vẽ để phác họa ý tưởng. Giờ già rồi, sợ để ít ngày lại quên" - họa sĩ Lê Mai dừng vẽ, nói rồi mời khách vào nhà uống nước.

Ngồi nhâm nhi ly trà, họa sĩ Lê Mai hồi tưởng về những ngày tháng ông bắt đầu dấn thân vào hội họa. Ông đến với hội họa thật bất ngờ. Bởi trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ông không để ý nhiều tới hội họa, mà cũng chẳng có chút kiến thức gì về môn nghệ thuật này. Đôi lúc ngẫu hứng, ông chỉ cầm bút vẽ chơi.

Học xong phổ thông, ông theo học và lấy bằng kỹ sư lâm nghiệp tại Trường Trung cấp lâm nghiệp Thanh Hóa. Ra trường, ông về làm việc tại Ty Lâm nghiệp Thanh Hóa. Đến năm 1970, ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở miền đất lửa Quảng Trị. Hành trang ra trận của ông ngoài vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân, còn có 4 lọ mực Cửu Long cùng 2 cây bút sắt.

Kể từ đây, cơ duyên hội họa đến với ông. "Lúc đầu, tôi cũng chỉ nghĩ mang theo bút, mực để viết thư về cho gia đình. Nhưng vì xa nhà, ký ức quê hương cứ ùa về sau mỗi lần ra trận. Hình ảnh làng quê xơ xác trong chiến tranh, cảnh đồng đội chiến đấu anh dũng ngã xuống, người dân mỗi vùng đất đi qua… cứ hiện lên trong tâm trí, nên tôi đã cầm bút ký họa để nhắc nhớ. Mỗi lần cầm bút như thế, tôi cứ say sưa vẽ mà không biết mình đã đam mê nó từ khi nào" - họa sĩ Lê Mai hồi tưởng.

Theo họa sĩ Lê Mai, ngày còn trên ghế nhà trường, ông vẽ chỉ là theo bản năng nhưng khi cầm súng ra chiến trường mới thực sự vẽ bằng cả trái tim. Trong mỗi lần hành quân, sau mỗi trận đánh, ông lại lôi giấy bút ra vẽ.

"Ngày đó, tôi vẽ để thỏa nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ già, nhớ đồng đội, những vùng đất chúng tôi hành quân đi qua. Tôi muốn ký thác tâm sự của mình vào những bức tranh. Bởi lúc đó chiến tranh không chừa ai cả, giữa sự sống và cái chết rất mong manh" - họa sĩ già tự sự.

Suốt những ngày tháng khói lửa ấy, họa sĩ Lê Mai đã ký họa hàng trăm bức tranh. Trong đó có những bức vẫn đang dang dở nhưng vẫn được ông gói gém, gìn giữ cẩn thận cho tới tận bây giờ. Điều ông không thể ngờ là những bức tranh được vẽ bằng bút sắt, mực Cửu Long với tông màu trắng đen ấy sau này lại trở thành một trường phái rất riêng, độc đáo không lẫn vào đâu của Lê Mai trong giới hội họa.

Họa sĩ Lê Mai bên bức họa dở dang

Khát vọng hòa bình

Xuyên suốt trong hành trình cầm cọ, họa sĩ Lê Mai đã vẽ hàng trăm bức tranh, với vô vàn những chủ đề khác nhau. Dù vậy, ông khẳng định chỉ có 3 dòng tranh thực sự được vẽ với niềm đam mê bất tận. Đó là tranh chân dung nhân vật lịch sử, tranh về thời chiến tranh - hòa bình và đặc biệt là dòng tranh về chủ đề quê hương.

Theo họa sĩ Lê Mai, một thời ông thường vẽ những thần tượng của mình. Đó là các chính trị gia nổi tiếng, các văn nghệ sĩ lỗi lạc như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Lê-nin, anh hùng Núp, nhà văn Kim Lân, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Hữu Loan… Những tác phẩm này đều được đồng nghiệp đánh giá là khắc họa chân thực, toát lên những phẩm chất tiêu biểu của nhân vật.

Họa sĩ Lê Mai bên bức tranh vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Hữu Loan

Đến khi cầm súng ra chiến trường, hình ảnh cuộc chiến với những làng quê xác xơ, cháy rụi sau mỗi trận đánh, cảnh đồng đội cầm súng lao vào lửa đạn hay người dân mỗi vùng đất hành quân qua... lại đi vào nét vẽ của ông. Từ "Đánh chiếm thành Quảng Trị năm 1972", "Khe Sanh đường 9", "Đặc công mở cửa", "Sải bước Trường Sơn" đến đất lửa Hàm Rồng, Phà Ghép… đều được ông khắc họa đầy đủ như một cuốn nhật ký bi tráng. Nhìn vào đó, chúng tôi cảm nhận được một phần về sự khốc liệt của chiến tranh, có hy sinh, đổ máu nhưng vẫn ngời lên những tin yêu, khát vọng về ngày mai hòa bình, độc lập.

"Tôi có 2 lần nhập ngũ, 12 năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường, đi qua rất nhiều vùng đất, nên tranh của tôi nó cũng giống như cuộc đời tôi. Qua tranh, tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc chân thực, những ký ức hào hùng của lịch sử, để tri ân những vùng đất, những người con mọi miền quê, để nhắc nhớ không quên những đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc" - họa sĩ Lê Mai chia sẻ.

Dung dị, mộc mạc

Sau ngày thống nhất, họa sĩ Lê Mai rời quân ngũ rồi chuyển qua công tác tại Công ty Mỹ thuật của Ty Văn hóa Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa). Thời gian này, ông dành nhiều thời gian để vẽ về quê hương mình.

Ông bộc bạch rằng sinh ra từ làng, đi ra cũng từ làng rồi về sống ở làng, nên dòng tranh sau này của ông thường hướng tới sự dung dị, mộc mạc, phác họa cuộc sống thường ngày của người dân quê, sự đổi thay của làng quê.

Phần lớn tranh vẽ quê hương của họa sĩ Lê Mai khắc họa lại những gì ông thấy thường ngày, vừa gần gũi, thân thương, gợi nhớ về phong cảnh làng quê Việt, khơi gợi ký ức một thời gian khó nhưng chan chứa tình yêu thương con người trong mối quan hệ xóm làng, để nhắc nhở con cháu luôn hướng về quê hương, cội nguồn dân tộc. Đó là hình ảnh những ngôi làng nhỏ nằm nép mình dưới bóng cây, những cánh đồng mùa gặt, những mái nhà tranh, đống rơm, cây gạo đầu làng, con đò bến sông...

Theo họa sĩ Lê Mai, dòng tranh bút sắt có rất ít người đeo đuổi, dù cách vẽ tuy đơn giản với chỉ một cây bút, hộp mực nhưng để truyền tải được cái hồn cốt của tranh tới độc giả thì không hề dễ dàng.

"Hội họa rất đa dạng. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số như hiện nay thì việc tạo nên những bức tranh rực rỡ sắc màu, đẹp đến từng milimet rất dễ dàng. Tuy nhiên, với dòng tranh đơn sắc như bút sắt, để có được chỗ đứng thì phải tâm huyết bằng cả trái tim" - ông lý giải.

Vì là đơn sắc, nên để vẽ mùa nào, thời điểm nào, rừng núi, đồng bằng hay miền biển... thì phải truyền được các đặc tính đó vào tranh, để người xem có thể cảm nhận được. "Đơn cử như khi vẽ về mùa thu, không thể đặc tả được lá vàng nhưng chúng ta có thể khắc họa cảnh cây cối gầy guộc, cành cây run rẩy, lá xác xơ bay, những nếp nhà liêu xiêu. Hay khi sáng tác về người dân ở vùng nông thôn, hình ảnh người dân vất vả, lam lũ dưới gam màu trắng đen càng được toát lên" - họa sĩ Lê Mai phấn chấn.

Họa sĩ Lê Mai bày tỏ mong muốn thông qua những bức tranh để nhắc nhở con cháu hướng về quê hương, cội nguồn

Cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước

Họa sĩ Lê Mai đã có 6 cuộc triển lãm cá nhân và đều có chung một tựa đề "Mảnh hồn làng". Tranh của ông trưng bày tại hàng trăm triển lãm về các chủ đề chiến tranh, quê hương và lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong nước. Ông kể dự định gần đây sẽ tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân tại TP Thanh Hóa - điều mà ông bảo là đang còn thiếu trên chính quê hương mình.

"Quê hương như chiếc bát pha lê/Chiến tranh làm vỡ tung ngàn mảnh/Tôi là một trong muôn vàn mảnh ấy/Văng ra khắp nẻo đất trời…". Đó là những vần thơ tự bạch của họa sĩ Lê Mai trong những cuộc triển lãm riêng mang tên "Mảnh hồn làng". Vì tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng mà đến nay, dù đã hơn 80 tuổi, nhưng người họa sĩ ấy vẫn âm thầm góp nhặt những mảnh hồn làng vào tranh, như chính tự sự của ông là "vẽ cho đến khi lìa xa cõi đời này mới thôi cầm bút".

"Theo ngọn bút sắt của Lê Mai, ta có thể hình dung dấu chân của ông trải dài theo năm tháng trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Từ những ngôi nhà ngói cổ Hà Giang đến những nhà tranh gốc mít trung du, từ nhà rông Tây Nguyên đến những cánh rừng Trường Sơn lộng gió, từ những con đò nép dưới lùm tre trên sông của đồng bằng sông Hồng đến những quán ven đường của miền Trung cằn cỗi... Với đất mẹ, ông đã dành cho Thanh Hóa quê ông một tình cảm đặc biệt... Những dòng sông rợp bóng tre đôi bờ với những con đò xuôi ngược, những Thành nhà Hồ, những đống rơm, chum nước, hàng cau..." - họa sĩ Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ Thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét về tranh của họa sĩ Lê Mai.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chúc mừng họa sĩ Lê Mai (trái) trong một triển lãm riêng của ông tại Hà Nội

Tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp nhưng ông gần như dành trọn cuộc đời cho niềm đam mê hội họa. Xuyên suốt cuộc đời mình, họa sĩ Lê Mai đã sáng tác hàng trăm tác phẩm hội họa từ bút sắt. Trong đó, chủ đề về quê hương được ông khắc họa chân thực, dung dị.

Theo Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm