(GLO)- Từ ngày 18 đến 25-11, Bảo tàng tỉnh tổ chức triển lãm chuyên đề “Cổ vật tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Đây là dịp để quảng bá những di sản của địa phương với du khách gần xa.
Không gian của Bảo tàng tỉnh những ngày này được lấp đầy bởi gần 300 hiện vật có giá trị. Bằng niềm đam mê, sự am hiểu sâu sắc giá trị, nguồn gốc của từng món đồ vật, các hội viên Câu lạc bộ Nghiên cứu và Sưu tầm cổ vật Gia Lai đã tuyển chọn những cổ vật có giá trị nhất trong bộ sưu tập khổng lồ của mình để đem đến triển lãm cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Đó là những hiện vật đá cổ do ông Nguyễn Công Hưng (tổ 6, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) sưu tầm trong suốt nhiều năm liền. Chiếc tù và, những đôi khuyên tai bằng ngà voi của đồng bào xưa, bộ tẩu hút thuốc bằng đồng, bằng gốm đã lên màu thời gian của ông Lê Tấn Khoang (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) hay những bộ ly, đĩa, hũ thủy trì bằng gốm có niên đại từ thế kỷ XIII của ông Nguyễn Ngọc Anh (phường Hoa Lư, TP. Pleiku)…
Các đại biểu tham quan các hiện vật được trưng bày tại triển lãm cổ vật tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.V |
Trong gần 300 hiện vật mà các nhà nghiên cứu, sưu tầm đem đến trưng bày tại triển lãm, thu hút du khách nhất chính là 4 chiếc cồng cổ của ông Trần Đình Tiến (đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku). Theo ông Tiến thì bộ cồng này đã có khoảng 300 tuổi, vốn là của người Mường, sau được người Jrai mua lại. Ngoài bộ cồng quý giá này, tại nhà ông Tiến còn có hơn 100 hiện vật thuộc văn hóa đồng bào bản địa có niên đại cách đây khá lâu đời. “Sống cùng với người dân tộc bản địa từ lâu nên tôi cũng khá am hiểu được những nét văn hóa đặc sắc của họ và biết được đâu là những vật dụng có giá trị. Ngoài bộ cồng này thì tôi cũng sưu tầm được rất nhiều chiếc ché quý của đồng bào bản địa”-ông Tiến chia sẻ. Hai chiếc trống đồng Đông Sơn của ông Nguyễn Thanh Hồng (Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) cũng khiến nhiều du khách chú ý.
Ông Hồng vui vẻ cho biết: “Tôi đã gắn với việc sưu tầm cổ vật hơn 10 năm nay rồi, tham gia triển lãm cũng nhiều. Đây là lần thứ 2 tôi tham gia trưng bày những hiện vật của mình ở Gia Lai. Tôi có khoảng 1.000 hiện vật trưng bày tại nhà. Đến tham gia triển lãm này, ngoài việc được giới thiệu với đông đảo du khách về những hiện vật quý của mình thì tôi còn được chiêm ngưỡng những đồ vật quý của những người có chung niềm đam mê sưu tầm đồ cổ. Tham gia những triển lãm như thế này mới biết được đồ cổ muôn hình vạn trạng và vô cùng phong phú. Tôi cảm thấy rất vui”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Triển lãm được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; kết nối giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật trên địa bàn tỉnh; quảng bá các giá trị cổ vật trên địa bàn tỉnh; quảng bá di sản văn hóa của địa phương. Đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, sưu tầm gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, mục đích cao hơn cả của triển lãm này là mong muốn được giới thiệu đến du khách những nét văn hóa của tỉnh nhà. Đồng thời triển lãm này sẽ giúp mọi người hiểu thêm những nỗ lực, sự cố gắng và lòng đam mê của các thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu và Sưu tầm cổ vật Gia Lai trong việc gìn giữ, bảo lưu các cổ vật của tỉnh nhà nói riêng và của Việt Nam nói chung”.
Phương Vi