Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Mai Nam Thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Mai Nam Thắng làm thơ khá muộn. Anh tham gia quân đội, sau ra làm báo Quân đội nhân dân với hàm Đại tá-Trưởng ban Biên tập. Nhưng khi bập vào thơ, anh quyết liệt và chuyên nghiệp. Hơn 10 đầu sách đã xuất bản và giờ đang giữ trang thơ cho một số tờ báo, vì ngoài làm thơ anh còn là người đọc thơ rất tinh.

Anh tâm sự: “Khi tôi ngoài 40 tuổi, bạn thơ tôi có người đã thành danh, có người đã bỏ cuộc. Còn tôi, chưa thành danh nhưng không bỏ cuộc. Có nhà văn đàn anh nói với tôi: “Phải vượt lên mọi đề tài mới thành danh! Tôi đã thử vượt. Nhưng rốt cuộc, chỉ khi viết về những gì mình gắn bó, am tường… tôi mới cảm thấy “thuận tay” và được bạn đọc quan tâm, chia sẻ”.

Trong thơ anh, dấu ấn làng, dấu ấn quê hương, đặc biệt quê hương Quảng Bình hiện lên rất rõ, dù anh đang sống ở Hà Nội. Anh nổi tiếng với loạt chuyện mự Ngụ quê anh trên các báo, tới mức, anh được gắn với huyền thoại mự Ngụ. “Mạ nón cời ngoi ngóp cửa sông/Gió rưng rưng cành mưng gầy lay lắt”-mạ của anh đấy và cũng là mạ của chúng ta.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

Đá ở Đồng Cao (*)

Minh họa: Huyền Trang

Đá dắt ta lên trời

Sương mù chực lùa ta xuống núi

Chọn phiến đá tinh tươm bạn nằm nghe gió thổi

Xác xơ cỏ rối

Cằn cỗi sim mua

Ngai ngái mùi những cặp sừng ngạo nghễ…


Đá đá nhấp nhô

Đá đá trập trùng

Đá đá đá mồ côi hoang vắng

Trơ như đá, lặng câm như đá

Đá bên đá chắc gì bè bạn.


Đồng Cao!

Đồng Cao!

Đồng là thế và Cao là thế

Đá lên cao ngơ ngác lạc đồng…


Dưới kia lãng đãng ruộng nương

Ríu rít lợn gà

Râm ran bờ suối

Ngoằn ngoèo những vệt khói lam

Đêm củi lửa rượu nồng đang đợi.


Về thôi về thôi

Bạn ơi Đồng Cao

Đồng là thế và Cao là thế

Đá Đồng Cao xám nỗi đồng-cao…


(*) Thảo nguyên ở Sơn Động, Bắc Giang

Hồ Lak liu riu

Minh họa: H.T

Sóng liu riu

Và gió hiu hiu

Độc mộc nằm phơi như thác lác mắc cạn

Buôn Jun vắng lặng

Hồ Lak mùa khẩu trang.


Đêm qua Ban Mê thức cùng Đam San

Chiều nay M’Liêng nhớ cùng Lak Liêng (*)

Nhớ tiếng cồng chiêng

Nhớ voi đủng đỉnh

Rừng không còn nguyên sinh

Buôn thêm nhiều biệt điện

Dịch giã là giọt nước tràn ly.


Có những cuộc giao tranh để lại sử thi

Có những cuộc tình hóa biển, hồ, sông, núi.

Có sự hoang vu tượng hình dấu hỏi

Chiều nay bên hồ Lak liu riu…


(*) Những nhân vật trong Trường ca Đam San


Cây lộc vừng bến quê

Minh họa: Huyền Trang

Bến sông quê có cây lộc vừng

Làng gọi cây mưng

Gốc cổ thụ bao đời thân thuộc.


“Tháng Giêng rét đài

Tháng hai rét lộc”

Mạ nón cời ngoi ngóp cửa sông

Gió rưng rưng cành mưng gầy lay lắt.


Tuổi thơ con qua bao mùa giáp hạt

Bao mùa đắng chát đọt mưng

Lớn theo trai làng phiêu bạt

Cuộc mưu sinh xuống biển lên rừng.


Có nỗi nhớ giêng hai cây mưng trổ lộc

Tháng mười buông những chùm đèn lồng

Hoa rắc như mưa, hoa trồi bềnh bồng

Em ra múc nước sông làm sao quẩy hết?


Bao năm bôn ba nẻo đời cao thấp

Có lời ru mạ đỡ nâng

“Đói cho sạch, rách cho thơm

Dù rau mưng rau má”.


Mạ ơi…

Chiều nay con về làng xênh xang ngói đỏ

Nhà chẳng còn lót bữa rau mưng

Sáo đã sang sông

Hạc đã về mây trắng

Cây mưng vẫn âm thầm trên bến vắng

Lặng lẽ trút mình dâng lộc biếc những mùa sau…

Có thể bạn quan tâm