Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Hàng ngàn héc ta cây trồng bị nước lũ nhấn chìm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù nước lũ đã bắt đầu rút nhưng hàng ngàn héc ta cây trồng của người dân vùng Đông Nam tỉnh vẫn đang ngập chìm trong nước lũ. Tuy mới chỉ bắt đầu vào vụ Đông Xuân nhưng nhiều hộ dân có nguy cơ rơi vào cảnh trắng tay.

Khẩn trương ứng cứu vườn thuốc lá giống. Ảnh: Văn Ngọc
Khẩn trương ứng cứu vườn thuốc lá giống. Ảnh: Văn Ngọc

Chiều 16-12, vì lượng nước mưa có dấu hiệu “giảm nhiệt” nên Thủy điện An Khê-Ka Nak đã chỉ xả lũ với mức 3.000 m3/s thay vì dự kiến 4.800 m3/s như ban đầu. Sau đó lượng nước xả tiếp tục được điều tiết theo hướng giảm dần. Vì vậy, nước lũ ở vùng hạ du sông Ba sau khi đạt đỉnh vào đêm 17-12 đã bắt đầu chững lại và rút dần từ khoảng 4 giờ sáng. Ở thời điểm nước lũ dâng cao, mực nước sông Ba tại khu vực cầu Bến Mộng, thị xã Ayun Pa đã vượt mức báo động 3 khoảng 0,7 mét. Đến khoảng 8 giờ sáng mực nước chỉ còn xấp xỉ với báo động 3. Tại các khu vực bị nước lũ cô lập như buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi; buôn Mơ Năng 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa, người dân đã bắt đầu thấy yên tâm sau một đêm trắng thấp thỏm lo âu theo dõi dòng nước.
 

Người dân tát nước lên cây cà pháo để rửa bùn đất. Ảnh: Văn Ngọc
Người dân tát nước lên cây cà pháo để rửa bùn đất. Ảnh: Văn Ngọc

Vào thời điểm 15 giờ chiều 17-12, nước lũ rút nhanh giúp các con đường đi vào vùng bị cô lập đã được “giải phóng”. Nhiều hộ dân đã bắt đầu trở về nhà mang theo gia súc, tài sản sau khoảng thời gian di tản đến khu vực cao. Ông Ksor Kam (trú tại buôn Jứ Ma Uôk) mừng rỡ: “Đêm qua cả làng gần 500 người có mấy ai ngủ được đâu vì nước lũ tràn cả vào làng. May là nước chỉ đến chân nhà sàn thì chững lại rồi rút chứ chưa vào được nhà. Giờ dân làng bắt đầu kéo về làng, chờ nước rút hẳn rồi mới ra rẫy xem thuốc lá mới trồng có bị hư nhiều không”.
 

Vườn cây khổ qua bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Văn Ngọc
Vườn cây khổ qua bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Văn Ngọc

Theo ghi nhận của P.V, tuy nước lũ đã rút nhưng trên các cánh đồng vẫn mênh mông trắng xóa một màu nước. Riêng tại huyện Ia Pa, theo thống kê của phòng Nông nghiệp đã có 1.550 ha cây trồng chủ yếu là mía trồng mới, lúa mới gieo sạ, thuốc lá, mì, dưa hấu… bị nước lũ nhấn chìm. Ước tính thiệt hại của đợt mưa lũ này lên đến 18 tỷ đồng. Các diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở các xã Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trôk, Kim Tân, Chư Drăng, Ia Kdăm… Hầu hết các diện tích đều bị thiệt hại từ 30-70%. Nhiều diện tích nông dân gần như mất trắng đặc biệt là với cây trồng dưa vào thuốc lá. Ông Nay Hoét (trú tại xã Ia Tul) buồn bã: “Hơn 1 ha thuốc lá mình mới trồng được mấy ngày mà giờ bị nước lũ dâng lên ngập úng mấy ngày nên chết hết đành phải trồng lứa mới thôi. Vườn cây thuốc lá giống của nhà mình chuẩn bị mang ra trồng cũng bị dính bùn đất không giữ được bao nhiêu cây nữa”.
 

Nhiều nơi tại thị xã Ayun Pa vẫn ngập trong nước vào sáng 17-12. Ảnh: Văn Ngọc
Nhiều nơi tại thị xã Ayun Pa vẫn ngập trong nước vào sáng 17-12. Ảnh: Văn Ngọc

Tại thị xã Ayun Pa, các hộ nông dân dọc sông Ba cũng đang trong tình cảnh khó khăn vì nước lũ. Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn có hơn 450 ha cây trồng như thuốc lá, dưa hấu… bị chìm trong nước. Đặc biệt nhiều hộ dân từ nơi khác đến thuê đất trồng dưa hấu là những hộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt này. Anh Hoàng Xuân Linh (trú tại tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng lên xã Ia R’tô để thuê đất trồng dưa hấu nhưng chưa năm nào gặp nước lũ dâng cao thế này. Gần 2 ha dưa đang ra hoa, kết trái gặp nước lũ thì hư hết, chưa kể mấy tạ phân bón không chạy kịp cũng bị nước cuốn trôi rồi. Đợt này chắc lỗ vốn hàng chục triệu đồng với vườn dưa”.
 

Người dân vẫn chưa thể trở về nhà tại một số khu vực.Ảnh: Văn Ngọc
Người dân vẫn chưa thể trở về nhà tại một số khu vực .Ảnh: Văn Ngọc

Huyện Krông Pa cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ này với 1.120 ha cây trồng bị ngập chủ yếu là lúa, mì, bắp, thuốc lá… tập trung tại các xã ven sông như Ia Rsươm, Chư Gu, Chư Rcăm, Phú Cần… Bên cạnh đó có 12 con bò và 15 con dê đã bị chết do lũ cuốn. Ước tính thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng. Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trong đợt lũ vừa qua huyện đã phải sơ tán 212 khẩu của 57 hộ dân tại buôn Nu B, xã Ia Rsươm và thôn Bình Minh, xã Phú Cần.
 

Hàng ngàn diện tích cây trồng hiện vẫn đang đắm chìm trong dòng nước. Ảnh: Văn Ngọc
Hàng ngàn diện tích cây trồng hiện vẫn đang đắm chìm trong dòng nước. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê về mức độ thiệt hại cụ thể để có hướng giúp người dân khắc phục hậu quả cho mưa lũ.
 

Người dân vẫn phải chờ nước xuống để trở về nhà. Ảnh: Văn Ngọc
Người dân vẫn phải chờ nước xuống để trở về nhà. Ảnh: Văn Ngọc

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm