Rừng Tây Nguyên - Đắk Nông, Đắk Lắk - bị tàn phá, đất rừng bị lấn chiếm từng ngày. Nguyên nhân của thực trạng này là lực lượng bảo vệ rừng không đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Rừng Tây Nguyên bị "xẻ thịt" từng ngày. Ảnh: Phan Tuấn |
Chọn lựa cái nghề giữ rừng không dễ, ở lại được với rừng, giữ được cái nghề càng khó khăn hơn. Chỉ với người làm công tác bảo vệ rừng mới hiểu được điều này.
Đa số cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng sống xa nhà, ngày đêm lặn lội trong rừng. Công việc như vậy nên họ không có điều kiện gần gũi với vợ con, dẫn đến những mất mát, đổ vỡ.
Thu nhập của người lao động bảo vệ rừng quá thấp. Mức lương cố định, hợp đồng bảo vệ rừng chuyên trách có bằng đại học khoảng 4,6 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp khoảng 4,2 triệu đồng/tháng; lao động phổ thông khoảng 3,9 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, mỗi người còn được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng tiền xăng xe để đi tuần tra rừng.
Với mức lương "ăn cám, giữ vàng", những người lao động giữ rừng đối diện với quá nhiều nguy hiểm. Nhiều người bị lâm tặc tấn công, hành hung, nhắn tin khủng bố, đe dọa. Lâm tặc liều mạng, coi thường pháp luật, cho nên cái mạng của người giữ rừng mong manh lắm.
Cái mạng mong manh không chỉ vì lưỡi dao hay mã tấu của lâm tặc, mà còn vì rừng thiêng nước độc, lũ quét, sạt lở đất.
Mong manh hơn nữa là lằn ranh "thiện, ác". Sự cám dỗ của vật chất sẽ biến cán bộ giữ rừng thành tay chân của lâm tặc. Để mất rừng cũng có nguy cơ tù tội, "nối giáo cho lâm tặc" cũng khó thoát cửa tù.
Lực lượng mỏng, trang bị chống lâm tặc cũng "mỏng", nên rừng bị tàn phá từng ngày. Kiểm lâm chịu nhiều tai tiếng.
Người có trách nhiệm không an lòng khi rừng bị tàn phá, người có lòng tự trọng không để xã hội xem mình như "lâm tặc", nên họ nộp đơn xin nghỉ việc. Nói họ "đầu hàng" cũng đúng, nhưng nói họ không được đối xử công bằng nên nghỉ việc cũng chẳng sai.
Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông đã giải quyết đơn xin nghỉ việc, chuyển công tác cho 48 người. Không chỉ lực lượng kiểm lâm, 2 Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn và Đức Hòa, 3 năm qua đã có đến 37 lượt nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc.
Cũng từ năm 2016 đến nay, Đắk Lắk có 4 công chức kiểm lâm xin nghỉ việc, 7 công chức chuyển công tác, 43 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi và 3 công chức xin từ chức, xuống chức.
Cán bộ, công chức kiểm lâm cho đến người lao động giữ rừng "đầu hàng" có phải do họ hèn yếu không, hay do thiếu chế độ đãi ngộ và điều kiện công tác an toàn.
Đi làm thì phải có thu nhập đủ sống, bảo vệ rừng thì họ phải được bảo vệ. Thiếu hai điều kiện căn bản đó, sẽ không giữ chân được người giữ rừng.
Rừng bị tàn phá hằng ngày, nếu không có chính sách phù hợp để chăm lo và bảo vệ lực lượng giữ rừng phù hợp thì sẽ đến lúc không còn rừng để giữ.
LÊ THANH PHONG (LĐO)