Báo xuân

Hình ảnh con gà trong văn hóa tâm linh người Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ lâu đã thành lệ, con gà được xem là loài vật linh thiêng, gắn chặt trong hệ thống tín ngưỡng với tục thờ cúng của người Việt Nam. Chúng ta thường thấy biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh với tục thờ Mẫu, Thánh...

Đồng thời, con gà cũng là linh vật hiến tế của người Việt. Ở lễ cúng nào dù lớn, dù bé, từ đền, miếu mạo cho đến giỗ chạp hay lễ lạt tại các gia đình, họ tộc đều có sự “hiện diện” của gà. Người ta tin rằng con gà có thể kết nối với lực lượng siêu nhiên và cả người chết, mang những lời cầu khẩn của mình đến với họ. Đó chính là ước mong “mưa thuận gió hòa” của cư dân nông nghiệp. Con gà thành một mã văn hóa đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của văn minh lúa nước. Lâu dần, cúng gà thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam.

 

 

Vì sống nghiêng về tâm linh nên việc cúng tế của người Việt được làm rất bài bản, ngay cả việc chọn gà đến bày trí con gà cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn gà cúng phải là những con gà trống (gà ta) có mào cờ đỏ, lông vàng óng mượt, chân vàng, chưa đạp mái, vừa đúng giò (không non mà cũng không già), béo mập. Không cúng gà mồng sứt, chân chì, lông nổ nhiều màu vì sợ mang điều xấu đến gia chủ. Hơn nữa, gà cúng phải luộc và để nguyên con, giữ nguyên bộ lòng, cùng một ít huyết tươi, không nên dùng thịt gà quay, rán, ninh, om vì cả hình thức và màu sắc đều không đẹp, mất cân đối và không nghiêm cẩn. Gà thường đặt quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà “không chịu chầu”. Riêng cúng Giao thừa, đầu gà đặt quay ra đường để đón ngài Tân niên hành khiển (theo quan niệm dân gian thì mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom việc hạ giới). Cúng Giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và đón quan quân cai quản năm mới (theo ông Hà Thanh-nhà nghiên cứu cổ học phương Đông). Tuy nhiên, cách bày gà cúng phổ biến hiện nay là quay đầu ra ngoài, vì bày trí như vậy sẽ đẹp mắt hơn còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Ông Hà Thanh cho rằng “đó chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì”.

Điều thú vị nữa trong văn hóa tâm linh người Việt là với lễ cúng bình thường, người ta có thể thay gà bằng con vật khác, nhưng lễ cúng trong đêm Giao thừa thì nhất thiết phải có gà. Sở dĩ, gà được chọn làm vật cúng tế linh thiêng trong đêm Giao thừa bởi theo thần thoại kể rằng: Khi mặt đất mới hình thành còn rất lạnh lẽo, ẩm thấp, Ngọc Hoàng, bèn sai mười mặt trời suốt ngày đêm chiếu sáng để sấy khô mặt đất. Đến khi đất đã khô trắng, nứt nẻ rồi mà Ngọc Hoàng quên không thu các mặt trời lại khiến con người và cây cỏ khốn đốn vì nắng hạn. Có một chàng dũng sĩ giương cung tên bắn liên tiếp rụng 9 mặt trời. Mặt trời cuối cùng sợ hãi bay tít lên cao và trốn biệt không ló ra nữa. Mặt đất lại lạnh lẽo, tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Chẳng con nào gọi được, cuối cùng chỉ có con gà trống khỏe mạnh cất tiếng gáy vang lừng khiến mặt trời tò mò ngó xuống rồi quên cả sợ hãi hạ thấp dần độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên. Đêm Giao thừa (trừ tịch) là đêm trời đất tối tăm nhất, người ta bảo đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống với hy vọng con gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm.

Không chỉ là linh vật kết nối với thần linh và người chết, người xưa còn quan niệm gà trống có các tính quý và đẹp hơn hẳn các loại gia cầm khác, đó là: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Sở dĩ có quan niệm như trên là bởi bắt nguồn từ giai thoại thời Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt từng nói với vua Gia Long về 5 cái đức của gà như sau: “Phàm người làm tướng phải có đủ những đức: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín mới có thể làm ba quân mến phục. Có vậy mới là tướng tài để đánh thắng cường địch”. Loài gà có đủ 5 đức ấy, đức nào cũng đáng quý. Một là: đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn; hai là: chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ; ba là: thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng; bốn là: tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân; năm là: đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín. Dân gian thì đúc kết hình ảnh đẹp đẽ của gà trống qua câu ca sau: “Trên đầu đội sắc vua ban/Dưới thời yếm thắm, dây vàng xum xuê/Thần linh đã gọi thì về/Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng”. Tin vào quan niệm này, ngày nay bà con cúng gà trống còn cầu mong con cháu sau này được hưởng những cái đức tính tốt đẹp đó.

Gà trống là biểu tượng cho sự tảo tần, chung thủy, tín nghĩa. Đây là lý do tại các nhà của thương nhân thường đặt những chiếc đĩa hoặc cổ vật có hình gà trống như một sự khẳng định uy tín của mình trong công việc. Và cũng là một lễ vật, quà biếu mỗi khi có dịp gì đó cần quà cáp. Đặc điểm vượt trội nhất của gà trống theo phong thủy chính là có thể giải trừ các thế sát cho ngôi nhà, đặc biệt là “đào hoa sát”. Nếu đặt gà trống trong phòng khách nhìn thẳng ra trước cửa nhà có thể ngăn chặn được sự không chung thủy của người bạn đời. Khi chồng hoặc vợ có biểu hiện không chung thủy thì nên đặt một cặp gà trống bên trong tủ quần áo của chồng hoặc vợ, mỗi góc tủ một con để hóa giải. Người ta cũng hay bày tượng gà trống trong nhà để ngăn chặn cái xấu và phòng giảm thiểu tai nạn.

Có thể nói, gà là một trong số các vật nuôi được thuần chủng gần gũi, không thể thiếu đối với mọi người. Đối với người Việt, ngoài giá trị vật chất mà gà mang lại thì nó còn là con vật đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Vì vậy, con gà đã sớm đi vào tín ngưỡng, vào đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam.

Sao Nghi

Có thể bạn quan tâm