Theo luật Quản lý thuế, người nộp thuế bị thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão nằm trong đối tượng bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, tai nạn bất ngờ. Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi 26 cục thuế phía bắc, yêu cầu hướng dẫn, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại. Cơ quan này cũng yêu cầu, phải có đầu mối hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hồ sơ thuế, tài liệu, chứng từ để xác định giá trị thiệt hại. Tương tự, dưới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng cũng nhanh chóng chỉ đạo giảm lãi suất, cơ cấu nợ, cho vay mới, xóa nợ... cho cá nhân, DN bị ảnh hưởng bởi bão lũ... Một số nhà băng cũng đưa ra mức hỗ trợ giảm lãi vay từ 0,5 - 2% các khoản vay và tiến hành rà soát khách hàng để có phương án cụ thể. Đặc biệt, gói tín dụng ưu đãi cho thủy sản đang được nghiên cứu tăng gấp đôi quy mô, từ 30.000 tỉ lên 60.000 tỉ đồng. Một giải pháp hết sức thiết thực, bởi bên cạnh giảm gánh nặng lãi vay, điều quan trọng nhất với các DN lúc này là có vốn, nhất là vốn rẻ để tái thiết và phục hồi sản xuất.
Có thể thấy, phản ứng chính sách hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng do bão số 3 lần này rất nhanh. Điều quan trọng giờ đây chính là mức hỗ trợ và bộ máy thực thi ở dưới phải thật nhanh chóng, thật đơn giản, thuận tiện để người dân, DN tiếp cận dễ dàng hơn. Chúng ta đã chứng kiến, rất nhiều DN bị thiệt hại nặng nề nhưng đã tạm dẹp những lo toan đó sang một bên để hỗ trợ bà con vùng bão lũ cả vật chất lẫn tinh thần. Giám đốc một DN trong ngành thực phẩm - nước giải khát (F&B) có nhà máy ở Bắc Ninh nói, suốt cả tuần qua nhà máy đóng cửa, đội tình nguyện của công ty cũng theo xe chở hàng cứu trợ tới nhiều điểm nóng. Giờ mới dọn dẹp, khắc phục cơ sở hạ tầng và chưa thể tái sản xuất ngay được vì bị ảnh hưởng khá nặng. "Nhưng cũng phải nhanh thôi, vì nhà máy đóng cửa ngày nào là công nhân không có việc làm ngày đó. Với hơn 90% lao động địa phương, họ đã bị thiệt hại nặng nề vì bão lũ, giờ mà chậm việc nữa thì càng khổ", vị này nói. Đó là thực trạng của rất nhiều DN, cơ sở sản xuất ở các tỉnh phía bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng... DN ít thì vài chục, vài trăm, nhiều thì hàng ngàn lao động. Đóng cửa ngày nào là thiệt hại nhân 2, nhân 3 ngày đó, là nỗi lo cơm áo gạo tiền lại quấn chặt tới người dân vùng bão lũ thêm một lần nữa. Thế nên, hỗ trợ DN bị thiệt hại vì thiên tai, bão lụt cũng chính là hỗ trợ nhiều người dân sở tại nhanh chóng trở lại cuộc sống thường nhật.
Kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp
Gia Lai thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia
Bộ KH-ĐT ước tính bão số 3 gây thiệt hại 40.000 tỉ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó. Không chỉ nông nghiệp, thủy sản, du lịch mà các DN sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, đường sá, cầu, hệ thống lưới điện, cấp nước, trường học... bị hư hại nghiêm trọng. Đây mới chỉ là thống kê ban đầu nhưng có thể thấy sự tàn phá kinh khủng của bão số 3 về cả người và của. Có những mất mát không thể lấy lại được, có những đau thương không gì bù đắp nổi. Vì thế, cách tốt nhất lúc này là hỗ trợ người dân, DN phục hồi cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh bằng những chính sách hiệu quả nhất, phù hợp nhất và nhanh nhất.
Theo Nguyên Khanh (TNO)