Ngồi trên taxi, Thướng thao thao kể với ông Hào:
- Ở Nhật Bản, chỉ đứng sau hoa anh đào Sakura về vẻ đẹp và sự yêu thích là hoa mận. Mận Nhật, gọi là Ume, còn được gọi là mơ hoặc hoa của nó được gọi văn vẻ hơn là hoa báo xuân. Gọi là hoa báo xuân vì những cây hoa này nở vào tháng hai, tháng ba trên khắp nước Nhật. Sau đó mới đến mùa hoa anh đào. Hoa mận có màu từ trắng, hồng đến hồng sẫm, thường có năm cánh. Một số ít loài có hơn năm cánh gọi là yae-ume. Hoa mận có mùi thơm ngát quyến rũ, hấp dẫn người thưởng ngoạn và là cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những áng văn thơ, những bức họa đầy xúc cảm.
Ông Hòa cứ để cậu trai nói đến hết mới có ý kiến:
- Cháu có vẻ rành loài hoa này nhỉ?
- Cháu đã sống trên đất Nhật này bốn năm rồi chú ạ?
- Vậy là cháu sắp ra trường phải không?
- Dạ phải. Việc học của cháu sắp kết thúc.
- Vậy tương lai thì sao? Ý chú muốn hỏi là sau khi ra trường cháu có về nước không?
- Hiện thì cháu chưa quyết định. Cũng còn tùy… Mà thôi, hôm nay cháu đưa chú đi viếng đền Dazaifu cơ mà. Để cháu giới thiệu sơ về ngôi đền này với chú nhé…
***
Theo chương trình thì hôm nay hội nghị nghỉ làm việc, mọi người được tự do. Phần đông đoàn tổ chức đi chơi đây đó. Phần ông Hòa, lẽ ra ông đã đi cùng đoàn của mình để lên tháp Fukuoka cao 234 m được xây dựng và gắn 8.000 tấm gương chung quanh, là nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố, sau đó tranh thủ đi mua sắm; nhưng tình cờ gặp Thướng nên ông nhận lời rủ rê của cậu, đi thăm ngôi đền thần đạo ở đây. "Vì cháu thấy chú quan tâm đến đời sống tâm linh nên mới mời. Dự hội nghị khoa học, mình cũng nên giải tỏa cái đầu cho nó thoáng một chút trước khi tiếp tục làm việc chú ạ".
Thướng vừa bằng tuổi con trai lớn của ông Hòa. Ở Việt Nam, gia đình Thướng chỉ ở mức sống trên trung bình một chút. "Cháu đi du học bằng học bổng của trường đại học bên này đấy chứ!". Thướng kể. Vẻ hoạt bát của Thướng khi hai người làm quen ở sảnh chờ vào phòng ăn buffet, thoạt đầu đã khiến ông Hòa tưởng cậu là một phóng viên báo chí. Hỏi thêm mới biết ngành học của cậu là sinh học, chuyên về Pheromon - chất dẫn dụ côn trùng. Chính Thướng đã giới thiệu cho ông biết về tỉnh Fukuoka.
"Fukuoka nằm trên đảo Kyushu thuộc phía Nam nước Nhật. Từ thời kỳ đồ đá nơi đây đã có người sinh sống. Do ở gần với Triều Tiên và Trung Quốc nên nơi đây có mối giao lưu lâu đời với hai nước này, trong đó cảng biển ở cửa vịnh Hakata là nơi giao thương quan trọng nhất. Chính vì thế mà sau khi chinh phục Triều Tiên, đại hãn Hốt Tất Liệt đã nhòm ngó nơi đây. Năm 1274, ông đã đưa 900 chiến thuyền vào cảng Hakata nhưng gặp bão cùng sự chống trả quyết liệt nên phải rút lui. Sau đó, những võ sĩ Nhật Bản đã xây dựng bức tường đá dài 20 km, cao khoảng 2-3 m ở biên giới bờ biển vịnh Hakata để ngăn giặc. Một phần bức tường đá này đến nay vẫn còn. Lần thứ nhì vào năm 1281, quân Nguyên lại đưa 4.000 chiến thuyền cùng hơn chục vạn lính tiến về cảng Hakata. Một cơn bão mạnh đã đánh tan cuộc xâm lược. Từ đó người Nhật ở đây gọi cơn bão là Kamikaze (Thần phong hay Gió thần). Cả hai trận đánh năm 1274 (gọi là Bunei no eki) và năm 1281 (gọi là Koan no eki) được coi là hai trận chống ngoại xâm nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Tỉnh Fukuoka chỉ có một con sông đổ ra vịnh Hakata. Vùng vịnh này trước kia thuộc cả hai phe Fukuoka và Hakata. Nhưng khi phe Fukuoka thắng thì sau khi sáp nhập lại, tên tỉnh được đặt là Fukuoka. Người Hakata rất bực mình vì bị thua cuộc. Để lấy lòng họ, một số nơi trong tỉnh được chính quyền đặt tên là Hakata như: Cảng Hakata, ga Hakata... Tuy nhiên, việc đặt tên này lại khiến cho nhiều người đã nhầm lẫn khi gọi ga Hakata là "Ga Fukuoka"... chẳng hạn. Fukuoka là địa phương có nhiều trường đại học và số sinh viên nước ngoài du học tại đây đứng thứ nhì nước Nhật, chỉ sau thủ đô Tokyo".
Đến nơi cần đến, Thướng bảo ông Hòa đứng lại trước một cái cổng cao, ngắm hình dáng vừa lạ vừa quen của nó:
- Đây là cổng chào Torii, sau cổng có hai con chó đá cũ kỹ, rêu phong, một con ngậm miệng, được giải thích là nói chữ Ư, một con há miệng, nói chữ A, tượng trưng cho đời người từ khi sinh ra đến khi mất đi.
Ông Hòa lại được dẫn đến một nơi khác gần cổng Torii. "Hướng dẫn viên" Thướng tỏ ra khá am hiểu:
- Đây là tượng con trâu thần làm bằng đồng nằm dưới gốc cây cổ thụ để mọi người đến cầu sức khỏe. Ai muốn mạnh khỏe nơi đâu trên thân thể mình thì cứ sờ vào nơi tương ứng trên mình trâu.
Ông Hòa nói:
- Thế thì cánh đàn ông tốt nhất không nên sờ vào... cặp sừng của nó!
Thướng bật cười thấm ý:
- Thì ra chú cũng là một người có óc khôi hài.
Người Nhật có hai tôn giáo chính là Thần đạo và Phật giáo. Đền Dazaifu là một đền thờ Thần đạo, là nơi thờ học giả, nhà chính trị Sugawara Michizane sống vào thế kỷ thứ IX. Ông được thờ như vị thần của học vấn và tri thức. Hằng năm có rất nhiều sĩ tử đến đây cầu nguyện để thi cử được thành đạt như ý. Vào những ngày Tết, có khoảng hai triệu người đến cầu điều tốt lành.
Sau cổng Torii, hai người khách Việt còn phải đi qua mấy cây cầu ngắn bắc qua vài nhánh suối, hai bên có nhiều cây cổ thụ và tượng, miếu nhỏ. Thướng giải thích là để thử thách lòng thành của người đến cầu nguyện.
- Trong chùa Phật giáo có thờ tượng Phật, còn các đền Thần đạo thì không - Thướng nhìn về phía ngôi đền từ xa, một ngôi đền không thể gọi là lớn - Bởi vì những người theo Thần đạo thờ đến tám triệu vị thần khác nhau thì chỗ đâu mà bày tượng.
Ông Hòa vẫn nghe Thướng nói nhưng những cây hoa đang nở bông rực rỡ trong khuôn viên đền đã thu hút ông. Trên xe, Thướng đã khoe trong khuôn viên của đền Dazaifu, người ta trồng đến sáu ngàn cây hoa mận. Ngay ở thủ đô Tokyo có nhiều điểm trồng nhưng số cây không vượt quá một ngàn. Các tỉnh khác có những điểm trồng đến hai ngàn như tỉnh Kyoto hoặc ba ngàn cây như tỉnh Ibaraki. Vì thế dẫu số người đến viếng đền Dazaifu hôm nay khá đông thì tất cả cũng chỉ lọt thỏm vào một khu vườn hoa mận khổng lồ tỏa hương thơm ngào ngạt...
Thủ tục cầu nguyện khá trang trọng. Ông Hòa nhất nhất làm theo lời hướng dẫn của Thướng. Đầu tiên, hai người phải ghé vào một hồ nước rộng khoảng mười mét vuông ở phía trước và bên phải của đền, tự múc nước bằng những cái gáo tre để rửa tay và súc miệng. Mục đích của nghi thức này là làm cho đôi tay chắp lại khi cầu nguyện và lời cầu nguyện từ miệng thốt ra được thanh sạch trước thần linh. Đáy hồ nước có khắc hình nổi một con rùa bằng đá. Nước trong vắt, mát lạnh. Rửa tay đúng cách là dùng tay phải múc nước rửa tay trái và ngược lại. Súc miệng đúng cách là phải dùng lòng bàn tay vốc nước chứ không phải dùng gáo, rồi nhổ nước súc miệng xuống khe chung quanh hồ.
Hai người bước qua nơi cầu nguyện. Mọi người không được vào trong đền. Bên trong đền chỉ có các tu sĩ mới được phép vào và đi lại bài trí lễ vật... Đền cũng không có tượng, ảnh gì cả mà "bàn thờ" ở chính giữa chỉ đặt một cái gương. Phía trước đền là hai cây hoa mận vừa ken bông vừa thơm ngát.
- Theo tương truyền của dân gian thì hai cây mận này đã bay theo thần thánh từ cố đô Kyoto về đến đây - Thướng giải thích.
Hai người đến đứng phía trước đền, nơi có đặt hai thùng công đức lớn. Cùng những người cầu nguyện khác và liếc qua phía Thướng, ông Hòa ném đồng xu lên cao để nó rơi thẳng vào thùng, sau đó cúi đầu hai lần, vỗ tay hai tiếng để thông báo với thần linh, rồi bắt đầu chắp tay cầu nguyện. Cuối cùng là cúi đầu một lần và lui ra.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
- Chú cũng nên ghé qua bên này một chút.
Ông Hòa thong thả theo chân cậu sinh viên hoạt bát.
- Đây là những gian hàng bán bùa may mắn mà những người cần cầu tài, cầu danh, cầu học vị, cầu may mắn... không tiếc tiền mua về. Bùa học tập, thi cử có giá 500 - 1.000 yen tùy loại, chú mua một cái vừa làm kỷ niệm, vừa để cầu thăng quan tiến chức sau chuyến đi này về nước...
Ông Hòa cười mỉm:
- Tôi hết tuổi đề bạt rồi. Tiếng là đi dự hội nghị khoa học nhưng chuyến này thực ra người ta cho tôi đi chơi "khuyến mại" chuẩn bị về hưu đấy...
- Vậy hay là chú xin xăm? Người xin được nhận một tờ giải đoán bằng chữ Nhật với chi phí 100 yen/tờ. Cháu sẽ dịch cho chú hiểu...
***
Thướng nhìn đồng hồ đeo tay. "Mình về thôi chú. Sắp đến giờ cháu phải đi làm thêm ở tiệm ăn rồi".
Hai người qua cổng chào Torii, rẽ phải vào con đường mua bán hàng lưu niệm, thức ăn đặc sản. Ông Hòa không dừng lại gian hàng nào lâu vì sợ Thướng trễ giờ đi làm. Khi nghe anh nói "Chú cứ thong thả", ông mới dừng lại nhìn ngắm gian bán món bánh mận, món mận muối (umeboshi) và món Umeshu là nước giải khát có cồn đều chế biến từ nguyên liệu chính là trái mận.
Thướng vẫn chứng tỏ sự am tường nhiều lĩnh vực của mình:
- Lúc giới thiệu về tỉnh Fukuoka, cháu còn quên mất điều này. Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều nghệ sĩ âm nhạc tài năng hơn bất kỳ thành phố nào của Nhật Bản. Từ những năm 1970, giới nghệ sĩ ở đây đã rất tự hào vì họ là nguồn gốc của loại nhạc rock địa phương, gọi là mentai rock.
Ngồi trên xe ra về, Thướng nhắc ông Hòa nhớ cài dây an toàn kẻo bị kiểm tra bất thường mà khách không làm đúng quy định giao thông, bác tài sẽ bị phạt nặng.
Ông Hòa miên man nghĩ về rừng cây báo xuân trong đền Dazaifu. Hình ảnh một cô gái đeo kính trắng đứng trước ngôi đền cầu nguyện thật lâu cũng hiện ra. Khi Thướng đứng trước gian hàng bán bùa thi cử, ông lại thấy anh lẫn vào những cây hoa, giống như bị thu nhỏ lại thành một bông hoa.
- Thướng này! Không hiểu sao chú vẫn cứ muốn biết vì sao các cháu đi du học lại ít trở về nước...
- Cháu biết nhiều người trách tụi cháu thiếu lòng yêu nước, không chọn sự cống hiến cho quê hương mình, là vọng ngoại... và còn nhiều nữa... Cháu chưa nói đến quan điểm mới về con người trên thế giới bây giờ đang hướng đến thành những công dân toàn cầu, mà chỉ tự hỏi những gì mình học được ở xứ người, khi về quê thì ứng đụng được bao nhiêu?
- Chú hiểu. Nghĩa là không chỉ trách các cháu, mà còn phải trách cả những người lớn nữa...
Thướng bỗng "à" lên một tiếng:
- Chú biết không, ngày Tết, người Nhật theo đạo Phật họ đánh một trăm lẻ tám tiếng chuông để tống tiễn một trăm lẻ tám tật xấu của con người, cầu cho một năm mới tốt đẹp đến với mình. Những một trăm lẻ tám tật xấu đấy chú ạ!
Truyện ngắn của KHÔI VŨ
(Dẫn nguồn theo NLĐO)