Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Họa mi Tây Nguyên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không có gì bất ngờ khi Đại tá, giảng viên thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Rơ Chăm Phiang được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần này (tháng 8-2019). Với bảng thành tích cùng đóng góp của chị trong âm nhạc, nhiều người cứ tưởng Rơ Chăm Phiang đã đón nhận danh hiệu cao quý ấy từ lâu.
Đại tá, NSND Rơ Chăm Phiang chia sẻ: Mặc dù được phong tặng danh hiệu NSND khi tuổi không còn trẻ, song chị vẫn cảm thấy vui vẻ, phấn khởi. Lý do thật giản dị: “Trước đây, nhiều người cứ tưởng tôi đã là NSND nên họ giới thiệu tôi là NSND Rơ Chăm Phiang, khiến tôi rất ngượng. Bây giờ đã “chính danh” nên tôi vui và tự tin”. Đồng nghiệp và học trò cũng mừng cho chị. Vinh dự này đã tiếp thêm sức mạnh để chị bước tiếp sau những thăng trầm trong cuộc sống.
Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang. Ảnh: N.H.D
Một giọng hát tuyệt vời, hiếm có
Đại tá, NSND Rơ Chăm Phiang sinh năm 1960 tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Như bao cô gái ở làng, chị thường đi hái măng rừng, mỗi khi hái măng lại cất giọng hát. Tiếng hát vang vọng núi rừng. “Ngày ấy, rừng núi còn hoang sơ lắm. Tôi ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao giọng của mình lại vang đến thế”-chị nhớ lại.
Từ nhỏ, Rơ Chăm Phiang đã là hạt nhân của phong trào văn nghệ thiếu nhi địa phương. Năm 1977, Đoàn Nghệ thuật Quân đội vào Gia Lai tuyển sinh, Rơ Chăm Phiang may mắn lọt vào mắt xanh của Mộ Lan-một giảng viên được đào tạo bài bản về âm nhạc thính phòng tại Nhạc viện Tchaikovsky. Giảng viên Mộ Lan ngạc nhiên vì sao cô gái đen nhẻm, bé nhỏ lại sở hữu giọng hát đẹp đến lạ kỳ! 17 tuổi, “họa mi Tây Nguyên” tạm biệt quê hương ra thủ đô học tập. Giọng hát của chị bắt đầu được rèn giũa bài bản với 8 năm học thanh nhạc. Chị vừa học, vừa đi biểu diễn.
Trên chặng đường ca hát của mình, Rơ Chăm Phiang đã đặt chân đến mọi miền Tổ quốc, từng hát cho các chiến sĩ Trường Sa, sang Campuchia biểu diễn trong những năm chiến tranh… Chị cũng là ca sĩ Việt Nam gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế: giải ba cuộc thi hát thính phòng “Hoa cẩm chướng đỏ” ở Nga năm 1983; giải nhất cuộc thi âm nhạc mùa thu ở Triều Tiên năm 1990; giải nhất liên hoan “Giọng hát vàng ASEAN” năm 1996. Trong nước, chị từng “ẵm” 9 giải thưởng khác nhau, trong đó có cả huy chương vàng toàn quốc.
Tiếng hát Rơ Chăm Phiang không chỉ làm say đắm người yêu nhạc trong nước mà còn chinh phục khán giả nước ngoài khó tính. Một lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), chị hát một nhạc phẩm của Mozart có kỹ thuật khó. Ở hàng ghế khán giả có vị tùy viên của sứ quán Thụy Điển khi ấy mới sang Việt Nam được 6 tháng, ông ngỡ ngàng bởi lần lần đầu tiên nghe một người Việt Nam hát opera ra chất. Ông hỏi phiên dịch: Cô ca sĩ quê ở đâu, đã được đào tạo ở nước ngoài chưa? Được phiên dịch cung cấp thông tin Rơ Chăm Phiang là ca sĩ người dân tộc thiểu số, được đào tạo trong nước, ông tùy viên đã tới gặp cô giáo hướng dẫn để hỏi về tình hình học tập của chị. Sau đó, chị nhận được tài trợ du học. Chị chọn Liên Xô (cũ) vì từng qua biểu diễn nhiều lần. Con người nơi ấy vô cùng gần gũi, giản dị. Nhưng trước khi chính thức được đặt chân vào Nhạc viện Tchaikovsky, Rơ Chăm Phiang phải trải qua một cuộc kiểm tra gắt gao trước Ban giám khảo gồm 20 thành viên, trong đó có những giáo sư âm nhạc khó tính. Cuối cùng, nhạc viện danh giá này đã mở cửa chào đón chị.
Vì số tiền tài trợ du học không nhiều, chỉ 10.000 USD nên trong những năm học ở đây chị phải bươn chải bằng cách đi diễn. Có lần, một tốp Việt kiều Mỹ tổ chức lưu diễn ở châu Âu, biết Rơ Chăm Phiang đang học ở Nhạc viện Tchaikovsky nên đã mời chị cùng tham gia. Vì bận học nên chị từ chối lời mời, họ liền đề nghị chị thu giúp chục bài Giáng sinh. Nhờ tiền cát-xê từ thu âm bài hát Giáng sinh mà chị có thể ung dung sống trong nửa năm. Cứ thế, vừa diễn, vừa học, chị tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky với tấm bằng loại ưu cùng nhận xét: “Một cô gái có giọng hát tuyệt vời, hiếm có”.
Không muốn rời xa Tổ quốc
Có người nói: Rơ Chăm Phiang giống như “mỏ vàng” chưa được khai thác hết. Ở nước ta, những người theo đuổi dòng nhạc thính phòng chịu thiệt thòi không nhỏ. Họ được đào tạo bài bản, rèn luyện vất vả nhưng thiếu “đất dụng võ”. Rơ Chăm Phiang nhớ những ngày biểu diễn ở Liên Xô (cũ). Khi chị cất tiếng hát, khán giả đứng dậy, có người cuồng nhiệt ném lên sân khấu những đóa cẩm chướng, những đóa hồng. Kết thúc buổi biểu diễn, Rơ Chăm Phiang ra về, người gác cổng nhận ra chị bèn ôm hôn, có tốp thanh niên đến tận ô tô của chị để xin chữ ký. Ở thời sung sức, chị từng nhận được lời mời ở lại nước ngoài hoạt động nghệ thuật. Dù biết ở lại thì dòng nhạc chị theo đuổi được trân trọng hơn, điều kiện sống tốt hơn nhưng Rơ Chăm Phiang không muốn rời xa Tổ quốc.
Không chỉ có sở trường hát thính phòng, “họa mi Tây Nguyên” còn thành công những bản tình ca, dân ca Tây Nguyên. Nghe Rơ Chăm Phiang cất lời: “Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ/Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát/Bầy chim muông cất cánh rợp trời” là thấy “gai” người bởi giọng ca vừa trong trẻo, vừa dồi dào bản năng như chính mảnh đất đã sinh ra chị. Chị hát “Bóng cây kơ nia”, “Người lái đò trên sông Pô Kô”, “Cánh chim báo tin vui”… như một chuẩn mực. Khác với nhiều ca sĩ có danh, khi xử lý ca khúc, Rơ Chăm Phiang trung thành với sáng tạo của tác giả. “Tôi giữ nguyên từ những nét luyết nhỏ nhất”-chị nói.
Mấy năm trước, Rơ Chăm Phiang tự bỏ tiền túi đầu tư một album, tập hợp những bài hát tạo nên tên tuổi chị, kèm theo một số bài hát mới. Thời hoàng kim của sự nghiệp đã qua, chị làm album chủ yếu thỏa mãn nhu cầu của bản thân. “Không được hát trên sân khấu thì thu đĩa vậy, cho đã cơn khát”-Rơ Chăm Phiang chuyện trò.
Sinh ra ở Tây Nguyên nhưng mảnh đất chị gắn bó nhiều hơn lại là Hà Nội. Vậy nhưng giọng nói của Rơ Chăm Phiang vẫn mang màu xứ sở. Chị “khai”: “Năm 1975 tôi nói tiếng Kinh vẫn còn ngọng nghịu. Đến năm 1978, tiếp xúc nhiều hơn, tôi nói tiếng Kinh sõi hơn nhưng vẫn sai dấu lung tung”. Tính cách chị bao năm vẫn thế, thật thà, chân chất, bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng những ai thân thiết với chị đều biết sự ấm áp bên trong. Chị trải lòng: “Tôi không phải người xô bồ, phải hiểu tính cách mới nói chuyện được, tôi không mạnh dạn bắt chuyện với những người xa lạ”.
Nhiều năm qua, Đại tá, NSND Rơ Chăm Phiang dồn tâm sức để đào tạo lớp trẻ. Mơ ước của chị là thực hiện một liveshow Rơ Chăm Phiang và đồng nghiệp. “Đơn giản vậy thôi mà tới giờ vẫn chưa thực hiện được”-nữ NSND trải lòng.
 NÔNG HỒNG DIỆU

Có thể bạn quan tâm