Báo xuân

Họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn: "Tôi vẽ Tây Nguyên và chỉ vẽ Tây Nguyên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh ra và lớn lên ở Pleiku, họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã xem vùng đất này là một miền tâm tưởng với những miên man, trăn trở không dứt trong suốt hơn 20 năm làm nghệ thuật. Đến nay họa sĩ tự do Nguyễn Thanh Sơn-một trong những người học trò thành danh nhất của cố họa sĩ Xu Man-đã có khoảng 200 tác phẩm về Tây Nguyên, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cao. Trò chuyện với phóng viên, ông chia sẻ:

Là đứa con của Tây Nguyên nhưng chính khi đi xa, tôi mới thấy yêu hơn và vẽ nhiều hơn về Tây Nguyên. Cái cảm giác bồi hồi xúc động trong những lần trở về đã cho tôi nhiều cảm xúc hơn trong sáng tạo.

 

* Mỗi người đến với nghệ thuật đều có một cơ duyên nào đó. Còn ông thì sao?
 

Họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn (SN 1959) là hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đến nay ông đã có 4 triển lãm cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh và có tranh tham gia 14 triển lãm tranh quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, Bỉ, Singapore, Australia, Mỹ, Indonesia… Các tác phẩm tiêu biểu: Giao cảm âm dương, Bữa tiệc của thần linh, Giao cảm giữa đất và người, Người thiêng, Hành trình âm dương, Nỗi niềm trên đất thiêng, Đêm và tiếng vọng… Một số giải thưởng nổi bật: giải nhì của Hội Mỹ thuật Việt Nam (năm 1996, 1997, 2003), giải ba Hội Mỹ thuật Việt Nam (2002), giải nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam (2003).

- Năm 1984, trước khi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Đại học Mỹ thuật Huế), tôi đã có một khoảng thời gian 4 năm tham dự những lớp học kẻ vẽ và sáng tác ngắn ngày do Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai tổ chức. Người thầy đầu tiên và cũng là người truyền cho tôi ngọn lửa đam mê chính là họa sĩ Xu Man-cánh chim đầu đàn của nền hội họa Tây Nguyên. Hồi đó lớp học không nhiều học sinh và chúng tôi thường gọi thầy bằng cái tên thân thương là chú Xu Man. Bước đầu học vẽ, chúng tôi cũng chỉ vẽ theo bản năng, chưa có khái niệm gì về nghệ thuật. Nhưng bằng sự gần gũi, thân thương và hồn nhiên trong nghệ thuật, họa sĩ Xu Man đã “khai sáng” cho chúng tôi những khái niệm cơ bản về nghệ thuật tạo hình.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1987 hệ trung cấp, vào Sài Gòn với những đam mê cháy bỏng của tuổi thanh xuân, tôi hòa chung vào dòng chảy phát triển của thời đại bằng với chính tình yêu nơi mình đã sinh ra. Tôi vẽ Tây Nguyên và chỉ vẽ Tây Nguyên. Đây là đề tài lớn xuyên suốt trong quá trình sáng tác từ đó đến cuối đời tôi.

* Vì đâu Tây Nguyên lại trở thành cảm thức, thành mạch giao cảm xuyên suốt trong các sáng tác của ông?

- Ngày trước, nhà tôi ở làng Kép (TP. Pleiku). Vì vậy, tôi hay lang thang ở những buổi lễ bỏ mả của làng. Có thể nói, mạch giao cảm giữa tình yêu tôi-Tây Nguyên bắt nguồn từ những đêm thao thức, đắm chìm trong âm vọng cồng chiêng giữa chốn mênh mông đại ngàn. Tôi yêu những vũ khúc đêm về sáng. Đầu hôm, thời khắc của cõi dương, trong bập bùng ánh lửa, những vũ khúc dương gian như ru hồn người chết vào giấc ngủ. Cho đến khi đêm dần về sáng, những âm vang đồng vọng của đại ngàn lắng xuống cùng với giấc ngủ trong men say của dân làng, qua ánh lửa tàn tro tôi như thấy người đã khuất hóa thân qua những tượng mồ. Tôi thấy họ như đang nhảy múa, họ than khóc, họ hát, họ ru cho yêu thương và khát vọng. Từ đó đã hình thành trong tôi mạch giao cảm âm-dương xuyên suốt trong quá trình sáng tạo. Tôi vẽ cái âm bản của cuộc đời và mãi là như vậy.

 

Tác phẩm “Giao cảm giữa đất và người”
Tác phẩm “Giao cảm giữa đất và người”

* Nhưng để khẳng định nét riêng so với những gì đã thể hiện về Tây Nguyên trong hội họa là điều không hề dễ dàng?

- Đúng vậy, để đi tìm một bến đỗ trong nghệ thuật không hề đơn giản và có khi phải đánh đổi bằng cả đời người. Tôi vẫn đang đi tìm trong cái sáng tạo của riêng mình. Tôi vẽ Tây Nguyên theo cái tôi hiểu chứ không vẽ theo cái tôi thấy. Tôi vẽ cái tâm linh, vẽ về sự sâu lắng, trầm tĩnh… Tôi chú tâm vẽ những người đang tồn tại trước áp lực của cuộc sống đang dần bị “bê tông hóa”, và văn hóa đang dần bị mai một. Đặc biệt là trước cái “bã văn minh”, khi mà rượu đế thay cho rượu ghè, chai nước suối thay cho bầu nước, quần áo sida thay cho thổ cẩm… Tôi muốn níu giữ cái hồn Tây Nguyên. Tôi muốn kêu lên một tiếng kêu bằng sự thầm lặng, bằng tình yêu. Con đường đang đi có thể sẽ gập ghềnh chông gai, nhưng tôi hạnh phúc bởi tôi đang là chính mình.

 

Tác phẩm “Sự thánh thiện giữa đất và người”
Tác phẩm “Sự thánh thiện giữa đất và người”

* Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà nhiều người còn phải lo chuyện ăn no mặc ấm thì ông tìm đất sống trong hội họa như thế nào?

- Quả thật vào thời điểm đó bán tranh là điều không tưởng. Để tồn tại và nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, nhiều họa sĩ lúc đó đã phải làm nhiều công việc trái nghề để kiếm sống. Thịnh hành nhất bấy giờ là vẽ áo dài và cà vạt. Tôi cũng trong dòng chảy đó và tồn tại được một thời gian cho đến khi ra mắt triển lãm đầu đời vào năm 1991. Tuy khó khăn nhưng tôi vẫn tự tin vào chính mình, tôi biết mình sẽ thành công trên con đường đào đất tìm ngọc. Hơn nữa, tôi còn có được nhiều cái duyên may trong cuộc đời.

* Bây giờ tranh của ông bán được cao nhất là bao nhiêu tiền một bức?

- Theo tôi, giá trị của tác phẩm không nằm ở giá tiền bán tranh mà sự yêu mến của công chúng, của đồng nghiệp, của những nhà sưu tập. Đó là sự đánh giá chính xác cho giá trị của một tác phẩm. Hiện tranh của tôi đã có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội và cũng được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước quan tâm.

 

Tác phẩm “Đêm và tiếng vọng”
Tác phẩm “Đêm và tiếng vọng”

* Hiện tại, ông sáng tác nhiều không?

- Thường để cho ra đời một đứa con tinh thần tôi phải thai nghén rất lâu, mỗi năm có khi chỉ một hai bức, thường là khổ lớn (2 mét x 2 mét), cũng có năm không vẽ được bức nào. Tôi không cầu toàn, nhưng tranh cũng là người nên ngoài yếu tố hiểu cần phải có cảm xúc và sự rung cảm. Cũng có người hỏi tôi sao không vẽ tranh souvenir (tranh lưu niệm) để kiếm tiền cho nhanh? Nhưng mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau.

 

“…Bỗng nhiên tình cờ hôm nay được ngồi giữa chiếu rượu, vây bọc bởi cái thế giới vừa hư vừa thực, vừa chạm được vừa siêu hình của một miền Tây Nguyên rất riêng tư của Nguyễn Thanh Sơn… Rõ ràng Sơn đang muốn đi về phía chân trời của siêu thực. Một thứ siêu thực buồn bã mang đầy nỗi nhớ nhung về những buôn làng đang hao mòn dần truyền thuyết xa xưa… Tôi tin rằng Sơn đã mua đúng một mảnh đất cho riêng mình và sẽ còn đi sâu, xa hơn nữa vào những mộng tưởng đầy huyền hoặc của Tây Nguyên…” (cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

* Ông có thể chia sẻ đôi chút về quan niệm của mình trong sáng tạo nghệ thuật?

- Với tôi, nghệ thuật là vô vị lợi. Thai nghén bằng chính cái tâm thì sẽ có cái phúc. Khi mình vẽ ra bức tranh thì mình phải biết yêu nó trước, như vậy thì người khác mới yêu. Hãy vẽ bằng tình yêu của mình chứ không phải bằng tình yêu của người khác. Bức tranh có giá trị lớn vì có tình yêu thực sự. Bạn tin không, hiện tôi vẫn ở nhà thuê. Nhưng tôi hạnh phúc vì có người từ nửa vòng trái đất vẫn tìm đến tôi mua tranh. Hạnh phúc là khi có thêm một người nữa yêu tranh của mình.

* Xin cảm ơn ông và chúc ông một năm mới nhiều thành công hơn nữa!

- Cảm ơn Báo Gia Lai đã có tổ chức một cuộc trò chuyện thú vị và đã tạo cầu nối cho tôi với độc giả của Gia Lai. Xin được gởi lời chúc AN KHANG-THỊNH VƯỢNG trong năm mới đến độc giả và các đồng nghiệp của tôi ở Pleiku thân thương.

Phương Duyên (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm