Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Hồn dân tộc trong tranh khắc gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở Việt Nam, từ khi các trường đào tạo mỹ thuật hàn lâm ra đời, phương pháp đào tạo mỹ thuật hàn lâm xuất hiện, nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã có bước khởi đầu vững chãi.

Nhiều họa sĩ thử sức với các chất liệu khách nhau, người nổi tiếng với sơn dầu, người thành công với sơn mài, nhưng riêng với họa sĩ Trần Nguyên Đán thì gần 50 năm qua, ông vẫn luôn chung tình với tranh khắc gỗ đồ họa.

Cả đời đam mê tranh khắc gỗ

Vào thế kỷ 19, sự xuất hiện của những chiếc máy in đầu tiên đã làm chết dần nhu cầu in kinh, sách bằng kỹ thuật in khắc mộc bản thủ công tại Việt Nam. Nhưng bản chất của nghệ thuật là sáng tạo và phát triển, nó đã không mất đi. Không những được tiếp sức, duy trì sự sống trong việc in khắc tranh dân gian, kỹ thuật in khắc mộc bản truyền thống này còn được vận dụng sáng tạo trong mỹ thuật hiện đại và tranh khắc gỗ.

Để có một tác phẩm tranh khắc gỗ, theo họa sĩ Trần Nguyên Đán, khó nhất là ở ý tưởng đề tài, bởi làm sao cùng một chủ đề nhưng có thể cho ra nhiều bản khắc khác nhau là không đơn giản. Đầu tiên, tác phẩm sẽ được phác thảo chi tiết trên giấy, sau đó mới thể hiện qua mộc bản. Khi phác thảo hoàn chỉnh, người họa sĩ dùng giấy than để in các chi tiết lên mặt gỗ. Tiếp đến là công đoạn khắc gỗ - được xem là khâu mất nhiều thời gian và công sức nhất. Tác phẩm khi đã hoàn thiện trên bản gỗ, sẽ được lăn bằng mực đen trước khi đặt giấy lên để in. Các đường lăn mực phải bảo đảm thật đều để khi in lên giấy không bị nhòe.

 

Họa sĩ Trần Nguyên Đán và tác phẩm Thành phố hoa phượng đỏ


Tỉ mẩn từng nhát đục, chăm chút từng nét dao khắc, dao trổ, cứ miệt mài như vậy, những tác phẩm đồ họa khắc gỗ của Trần Nguyên Đán dẫn dắt người xem vào cuộc sống thật nhẹ nhàng, gần gũi và cũng thật có hồn. Ông sử dụng bút pháp phong phú để lột tả hết cái thần, cái hồn của từng đối tượng tạo hình, lúc thì hồn nhiên, vui tươi với sắc màu hiện đại khi miêu tả hình ảnh gắn liền với nông thôn Việt Nam qua các tác phẩm Dưới rặng cau, Miền núi, Bù nhìn đuổi chim trên cánh đồng. Có khi ông trở nên trầm lắng, nhu nhã với tâm trạng hoài cổ khi miêu tả hình ảnh Quốc tử giám Hà Nội mùa thu, Hội An mùa mưa, Chùa Tây Phương, Chùa Cầu Hội An, Cầu ngói Thanh Toàn ở Huế... Cũng có lúc người xem cảm nhận được tâm trạng hồ hởi của ông khi dành đề tài cho các di sản văn hóa của dân tộc như: Quan họ Bắc Ninh, Múa khèn tìm bạn, Nghệ nhân tò he… Sâu lắng bên trong từng nét khắc, từng nét mực là tình yêu vô bờ bến của người nghệ sĩ với thiên nhiên tươi đẹp của quê hương, với con người Việt Nam nhân hậu yêu thương. Ngắm tranh của ông, người xem như cảm nhận được từng nhịp điệu, từng hơi thở cuộc sống: người thợ cấy đang hăng say trên đồng ruộng, những con trâu thong dong gặm cỏ, mái chèo khua nhẹ mặt sông, điệu khèn dìu dặt của các dân tộc vùng cao, cánh buồm căng gió và những con tàu đang vươn sóng ra khơi…

Cảm xúc truyền thống trong bút pháp hiện đại

Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh năm 1941, quê ở Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội khóa đầu tiên 1965 - 1970 và từng công tác tại Vụ Bảo tồn bảo tàng, Bộ Văn hóa thông tin rồi Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Hà Nội. Dù ở cương vị nào, gần 50 năm qua, tình yêu của ông dành cho tranh khắc gỗ chưa bao giờ phai nhạt. Tác phẩm của ông đã tạo nên phong cách riêng, thể hiện sự thuần thục trong kỹ thuật in tách, tạo các màu tương phản. Đặc biệt, ông còn sáng tác những bức tranh khổ lớn, có bố cục đồng hiện, phức tạp, chứa nhiều hình ảnh và nét khắc tinh tế, tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho tranh khắc Việt Nam hiện nay. Ông đã đoạt hàng chục giải thưởng mỹ thuật. Năm 2007 họa sĩ Trần Nguyên Đán đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt II cho các tác phẩm tranh khắc: Chăm học chăm làm (33x42cm, 1975); Nghệ nhân tranh Hàng Trống (43x41cm, 1976); Hội Đền Hùng (120x100cm, 1978); Trở lại Tam Bạc (110x75cm).

 

Tranh khắc gỗ Ai về thủ đô.


Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã từng nhận xét: “Tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán luôn gợi lên một cách không rõ ràng về một truyền thống nghệ thuật từ quá khứ. Nó làm chúng ta nhớ đến những bản in kinh Phật trang trọng hay những bản nhạc vui tươi của dòng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Nhưng có một vẻ riêng của bút pháp hiện đại với tính súc tích và đa dạng của đường nét”. Họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nói thêm: “Trong kho tàng tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán, càng về sau, các sáng tác của họa sĩ càng mặn mà, tinh tế hơn, cách truyền tải tâm tư, tình cảm thông qua từng nét khắc cũng ý nhị hơn, xứng đáng là người giữ gìn những nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”.

Triển lãm của họa sĩ Trần Nguyên Đán lần đầu tiên ra mắt công chúng TPHCM ngày 12-5 đến hết ngày 12-6, tại số 97A Phó Đức Chính, quận 1 giới thiệu 80 tác phẩm được họa sĩ sáng tác trong vòng 40 năm trở lại đây. Sau triển lãm, toàn bộ tác phẩm được ông tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm