Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Hoài niệm Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Tết còn nguyên vẹn nhung nhớ trong con mắt những người xa quê. Nỗi nhớ trào dâng, cảm giác cái gì ở xứ lạ cũng không bằng quê mình. Ăn miếng dưa hành, dưa kiệu cũng thấy sao nó không đậm đà, không ngon như mẹ muối mà ngậm ngùi. Cái ngậm ngùi của người xa quê càng thêm đặc lại khi nhìn thấy cảnh sum họp của gia đình người ta để thắc thỏm không yên.

Tết còn buồn lòng hơn với những người con trên đất lạ, khi người ta vẫn bận rộn đi làm vì ở đây đâu có đón Tết như nước mình. Nhớ đến cồn cào không khí đêm Giao thừa lành lạnh cầm tay một ai đó mà xuýt xoa, mà chen chúc vào chợ hoa để tìm một chậu nhỏ đem về lấy lộc cho gia đình với nụ cười ấm cả con tim.

Tết còn là những ngậm ngùi của người già, nhớ bóng dáng đâu đó của mùa xuân khi “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua” (Vũ Đình Liên). Bóng dáng của những mùa xuân trước luôn được gợi lại trong ký ức của họ, để nao lòng nhớ cảnh chuẩn bị một cái Tết không bị thương mại hóa.

Họ mơ màng về những nếp cũ của ông cha, khi mà những món bánh, mứt, món dưa đều phải tự tay làm, đôi khi chỉ cần ra góc vườn đào đám củ gừng già để cả năm trời mà chỉ dùng để nấu ăn cho thơm, bỏ vào ấm chè tươi cho ấm nồng là có được món mứt gừng rồi. Nhẹ lửa thì cho ra món mứt gừng dẻo, không thích thì liu riu lửa thêm chút nữa cho cô đặc lại cho miếng gừng bám đường khô vào trắng tinh thơm ngon. Còn rất nhiều những tiếc nuối, những tiếng thở dài vì Tết của ngày xưa cũ và ấm cúng hơn trong hoài niệm của họ.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Nhưng chính vì những hoài niệm như vậy mà giờ đây, sau những năm dịch bệnh Covid-19, có một nơi gọi là nhà để về những ngày Tết là niềm mong mỏi của nhiều người. Một năm với bao nhiêu buồn lo, mỏi mệt cần được bỏ qua một bên để đoàn tụ bên gia đình. Những lách cách bánh trái của ngày xưa bỗng được các bà, các mẹ hồ hởi chung tay làm để cho con cháu có một cái Tết ấm áp.

Cái ước mong sum họp và đoàn tụ dường như thôi thúc nhiều người dành ra những khoảng thời gian lặng lẽ để chiêm nghiệm, để yêu thương hơn nữa những phút giây bên người thân yêu trong gia đình.

Mặc cho hết Tết là lại phải bịn rịn chia tay, những cái ôm, những lời dặn dò hẹn Tết sang năm gặp lại dường như tiếp thêm sức mạnh cho những con người phải lìa xa cố hương sẽ cố gắng hơn trong năm mới và nhất định sẽ lại về để còn có những mùa xuân bên nhau.

Có thể bạn quan tâm