Hội Đông y tỉnh Gia Lai phát huy giá trị nền y học cổ truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, Hội Đông y tỉnh Gia Lai đã khắc phục khó khăn để xây dựng và phát triển tổ chức Hội, góp phần bảo tồn, phát triển nền y học cổ truyền; đồng hành với ngành Y tế khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Quan tâm xây dựng tổ chức Hội

Từ buổi đầu gầy dựng, chỉ có 3 huyện, thị xã thành lập được tổ chức Hội, đến nay, Hội Đông y tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 10 cấp hội riêng hoặc cấp hội liên kết ở TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và huyện Chư Sê. Số lượng hội viên tiếp tục tăng theo từng năm, đến nay đã có 233 người được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.

 
 Khám-chữa bệnh tại Hội Đông y tỉnh.
Khám-chữa bệnh tại Hội Đông y tỉnh.

Hội Đông y tỉnh là mái nhà chung để các hội viên tham gia sinh hoạt, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, phát triển và bảo tồn các bài thuốc quý, các giống cây, con dược liệu quan trọng; đồng thời, giáo dục hội viên phát huy y thuật và tâm đức sáng ngời. Hội phối hợp với các đơn vị Trung ương mời các giáo sư đầu ngành về trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; phối hợp với Trường Trung cấp Y Gia Lai đào tạo chuyên môn cho hội viên để họ đủ điều kiện được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.

Hội đã chú trọng việc duy trì “Sổ vàng thừa kế” tại tất cả các Hội Đông y cấp huyện để ghi chép những cây thuốc quý, bài thuốc hay và kinh nghiệm chữa bệnh có hiệu quả do cán bộ, hội viên và nhân dân hiến tặng làm tư liệu nghiên cứu, trao đổi, học tập và ứng dụng vào công tác phòng, chữa bệnh cho người dân; đồng thời qua đó lưu giữ, tránh nguy cơ thất truyền các tài sản quý báu đó cho mai sau. Hội đã cùng với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành “Kế hoạch phát triển Y, Dược học cổ truyền tỉnh Gia Lai đến năm 2020”.

Công tác nghiên cứu khoa học được Hội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các hội viên đã nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng được nhiều đề tài có chất lượng và được ứng dụng vào công tác khám-chữa bệnh. Tháng 10-2015, giải pháp sáng tạo kỹ thuật “Định vị huyệt trên loa tai theo giải phẫu giúp tinh giản phương huyệt và nâng cao hiệu quả điều trị” của Phòng chẩn trị Hội Đông y tỉnh tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7 năm 2014-2015, đã được Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức chấm đạt giải ba, được UBND tỉnh tặng bằng khen và sau đó được chọn tham dự Hội thi toàn quốc.

Đẩy mạnh công tác khám-chữa bệnh

Xác định khám-chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và là chức năng quan trọng bậc nhất của Hội, những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã không ngừng chỉ đạo, hướng dẫn các hội viên thực hiện có hiệu quả công tác phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ... được các sở, ngành và nhân dân ghi nhận.

“Phòng chẩn trị của Tỉnh hội, Phòng khám-chữa bệnh từ thiện Tuệ Tĩnh Đường ở TP. Pleiku và các phòng chẩn trị của hội viên đã dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc để chữa một số bệnh cấp tính và mãn tính, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân”-Lương y Nguyễn Ngữ- Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết.

Trong đó, Tuệ Tĩnh Đường của chùa Bảo Sơn (số 84 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) là địa chỉ đáng tin cậy, duy trì khám-chữa bệnh từ thiện vào buổi chiều các ngày thứ hai, tư, sáu, bảy và chủ nhật hàng tuần. 9 tháng qua, nơi đây đã khám và châm cứu cho hơn 3.420 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số thang thuốc đã cấp là 10.260 thang.

Phòng chẩn trị của Tỉnh hội (số 6 Võ Thị Sáu, TP. Pleiku) đã khám-chữa bệnh bằng châm cứu và thuốc y học cổ truyền cho gần 2.052 lượt bệnh nhân. Trong đó có 1.368 lượt người sử dụng các phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…), sử dụng hết 2.462 thang thuốc, tổng số dược liệu đã dùng là 443 kg. Ngoài ra, phòng cũng duy trì thường xuyên khám và hỗ trợ điều trị miễn phí bằng châm cứu cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Cùng thời gian, các cơ sở khám-chữa bệnh của 76 hội viên trong tỉnh đã khám và điều trị 86.184 lượt người, trong đó có 20.520 lượt người sử dụng các phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa  bóp, bấm huyệt…), sử dụng 328.330 thang thuốc, tổng lượng dược liệu là 59.099 kg.  

Thông qua hoạt động chuyên môn, Hội Đông y tỉnh đã khơi dậy phong trào thi đua học tập, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành Đông y; đồng thời, nâng cao năng lực khám-chữa bệnh, chung tay phòng-chống dịch bệnh và phát huy gương sáng y đức trong hành nghề y-dược. 

 Trần Đức

Có thể bạn quan tâm