Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại TP.HCM: Những tín hiệu lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2018 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23-11. Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án và ký kết biên bản ghi nhớ với 3 dự án. Cùng với đó, hội nghị còn đạt nhiều kết quả đáng mừng khác như cam kết hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh từ các trường đại học danh tiếng của Cộng hòa Séc, những đề nghị tạo điều kiện để được đến Gia Lai đầu tư...
Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Chỉ trong 3 năm (2016-2018), Gia Lai có 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15.350 tỷ đồng. Riêng năm 2018, có 58 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng. Kết quả khả quan về thu hút đầu tư cho thấy Gia Lai đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa diễn ra, ông Lê Thành Vinh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC-cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng của Gia Lai nên đã chọn đây là nơi để đề nghị triển khai đầu tư 5 dự án gồm 4 dự án bất động sản và 1 dự án nông nghiệp. Gia Lai ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, có thể kết nối rất thuận lợi đến tất cả các vùng bằng đường bộ lẫn đường hàng không. Chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch của tỉnh. Riêng du lịch thì Gia Lai rất giàu tiềm năng cả về cảnh quan, văn hóa, lịch sử... Thời gian qua, khi làm việc với tỉnh, chúng tôi cũng đánh giá cao sự cam kết nhất quán trong việc ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi cũng rất ấn tượng với phong cách linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh cũng như cán bộ các sở, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư”.
Lãnh đạo tỉnh trao đổi thông tin về đầu tư với Đại sứ Cộng hòa Séc. Ảnh: H.D
Lãnh đạo tỉnh trao đổi thông tin về đầu tư với Đại sứ Cộng hòa Séc. Ảnh: H.D
Ngoài các tiềm năng, thế mạnh trên, Gia Lai còn có nguồn lao động rất dồi dào với khoảng 870.000 người. Tỉnh đã mở rộng các cơ sở đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn. Theo đó, hàng năm có hàng chục ngàn lao động được đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của các nhà máy, khu công nghiệp. Song hiện việc đào tạo nguồn nhân lực qua các trường đại học trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Tại hội nghị lần này, 2 trường đại học danh tiếng của Cộng hòa Séc là Đại học Công nghệ Brno và Đại học Tomas Bata đã cam kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Gia Lai. Tiến sĩ Peter Stepanek-Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Brno-giới thiệu: “Trường được thành lập vào năm 1899, ban đầu chỉ cung cấp khóa học duy nhất về kỹ thuật công trình. Hiện nay, trường đã phát triển thành một đại học lớn mạnh ở Cộng hòa Séc với hơn 24.000 sinh viên đăng ký học ở 8 khoa và 2 trường đại học hệ thống. Trung tâm Khoa học nghiên cứu công nghệ cao và khởi nghiệp của trường được gọi là Thung lũng Silicon của Cộng hòa Séc”.
“Trường Đại học Tomas Bata là thành viên của rất nhiều tổ chức quốc tế. Khoa Quản trị và kinh tế của trường đứng đầu trong các khoa kinh tế ở các trường đại học tại Cộng hòa Séc. Trung tâm polymer của trường với hơn 100 nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới và nhiều giáo sư nhận được những giải thưởng danh giá”-Giáo sư Petra Saha-Hiệu trưởng Trường Đại học Tomas Bata-cho biết.
Tiến sĩ Peter Stepanek-Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Brno. Ảnh: Hà Duy
Tiến sĩ Peter Stepanek-Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Brno đang giới thiệu về trường. Ảnh: Hà Duy
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Một số doanh nghiệp có mặt tại hội nghị rất tích cực trao đổi, tìm hiểu thêm về các thông tin liên quan tới chính sách đầu tư, thương mại, du lịch và nguồn nhân lực tại tỉnh Gia Lai. Ông Phạm Hồng Sơn-một Việt kiều Canada tham dự hội nghị nêu câu hỏi: “Tôi đã đến khảo sát cơ hội đầu tư ở Gia Lai và có dự định kết hợp với Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú để trồng rau sạch áp dụng công nghệ cao. Để triển khai dự án này, tôi cần quỹ đất lớn. Vậy Gia Lai có thể đầu tư một khu trồng rau công nghệ cao không?”. Cùng đề cập đến vấn đề quỹ đất, một Việt kiều Mỹ đặt câu hỏi: Muốn đầu như một nhà máy chế biến gỗ nội thất và cần diện tích đất khoảng 10 ha thì nên chọn vị trí ở đâu? Trả lời vấn đề này, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Tại TP. Pleiku, chúng tôi có 2 khu Công nghiệp là Trà Đa và Nam Pleiku. Nếu doanh nghiệp muốn đến đầu tư thì chúng tôi sẽ giới thiệu quỹ đất này. Và doanh nghiệp hãy đến gặp chúng tôi để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết”.
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với doanh nghiệp bên lề triển lãm sản phẩm đặc trưng của Gia Lai. Ảnh: H.D
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với doanh nghiệp bên lề triển lãm sản phẩm đặc trưng của Gia Lai. Ảnh: H.D
Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang băn khoăn vấn đề đấu nối. Bà Nguyễn Thị Mộng Huyền-đại diện Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát-cho biết: “Doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ và đang chờ Bộ Công thương chấp thuận phê duyệt bổ sung quy hoạch. Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những ưu đãi cho các nhà đầu tư như được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất… chỉ có hiệu lực tới ngày 30-6-2019, trong khi doanh nghiệp vẫn đang phải chờ Bộ phê duyệt thì e rằng sẽ muộn, chúng tôi khó có được những ưu đãi như vậy. Chúng tôi được biết, có doanh nghiệp ở Bình Thuận cũng rơi vào trường hợp tương tự và được gia hạn tới năm 2021. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh có sự hỗ trợ tích cực để chúng tôi cũng được gia hạn. Thêm vấn đề nữa là vị trí dự án của chúng tôi chưa có điện lưới 110 kv mà cách đường dây này tới 9 km. Đề nghị tỉnh hỗ trợ có đường điện này để đấu nối”. Về vấn đề gia hạn thời gian, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành-cho biết, sắp tới, Thủ tướng Chính phủ có cuộc làm việc với tỉnh, nếu tiền lệ đã có trường hợp gia hạn được thì tỉnh sẽ đề nghị Thủ tướng để gia hạn cho doanh nghiệp.
Một nhà đầu tư năng lượng sạch khác cũng đặt câu hỏi với tỉnh: “Bên mua điện (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá 9,35 cent/kWh; thời hạn hợp đồng mua bán điện với các dự án là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tính toán và thấy rằng, trong điều kiện chi phí pin, chi phí thiết bị biến đổi tần đã giảm, chi phí vốn và lãi vay xuống dưới 9%/năm, giá bán điện 9,35 cent/kwh sẽ đảm bảo dự án có tính khả thi cao. Nhưng Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về những ưu đãi đối với các nhà đầu tư chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30-6-2019, sau đó Bộ Công thương có kế hoạch ban hành chính sách năng lượng mặt trời mới. Như vậy các dự án triển khai sau 2019 sẽ có được cơ chế bán điện và ưu đãi thế nào? Cơ sở hạ tầng sẵn có ở Gia Lai đã đủ điều kiện để thực hiện đấu nối hay chưa?”. Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Phước Thành cho biết, tỉnh luôn thực hiện đúng và đầy đủ các vấn đề theo quy định, trong đó có cơ chế bán điện và các ưu đãi. Bên cạnh đó, Gia Lai vẫn đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp đến đầu tư.
Những tín hiệu vui
 
Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền các cấp ở tỉnh, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự góp sức tận tình của các chuyên gia, các nhà khoa học, cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư, kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai sẽ có bước đột phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.

Với những tiềm năng, thế mạnh hiện có, Gia Lai đang trở thành “đất lành” để các nhà đầu tư có tâm, có tầm tìm đến làm ăn. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Với tiềm năng lợi thế, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự đồng hành, hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với khát vọng đổi mới, vươn lên của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, tôi hy vọng từ hội nghị này, các nhà khoa học, các nhà đầu tư sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay cho tỉnh, mang đến cho tỉnh những ý tưởng mới để chúng ta cùng kết nối, mở ra cơ hội hợp tác, giúp Gia Lai phát triển vươn lên, cùng hòa nhập và phát triển trong thời đại mới của đất nước”.
Với phương châm luôn chào đón và sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động, Gia Lai luôn xem thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Theo chương trình ký kết hợp tác, UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã triển khai rất nhiều hoạt động về liên kết đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục sự hợp tác đó, lần này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Tomas Bata đã ký kết thành lập phòng thí nghiệm trọng điểm về polymer tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Dự án nhằm triển khai các chương trình nghiên cứu sản phẩm mới, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, cải tiến công nghệ sản xuất, nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm polymer và các sản phẩm liên quan hiện nay để phát triển ngành công nghiệp cao su và polymer của tỉnh Gia Lai nói riêng, Việt Nam nói chung.
Hiện tại, toàn tỉnh còn có khoảng 104 dự án đang triển khai đầu tư với tổng số vốn gần 13.100 tỷ đồng; có hơn 66 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng (chưa tính 32 dự án điện mặt trời, điện gió của 23 nhà đầu tư được tỉnh cho phép khảo sát với quy mô gần 4.000 MW, số vốn dự kiến trên 86.000 tỷ đồng). Riêng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2018 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh lần này, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án và ký biên bản ghi nhớ đầu tư đối với 3 dự án.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm