Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Hội ngộ mùa đông": Nơi kết nối những cây cọ giàu sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến hẹn lại lên, khi cao nguyên Pleiku se se tiết lạnh ngày đông cũng là lúc các họa sĩ khắp 3 miền hội ngộ. Không gian quán cà phê Ia Drang (đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) lại có thêm những họa phẩm mới của các họa sĩ đã thành danh. Họ về đây để hội ngộ trong mùa đông cao nguyên, trong một hành trình tìm kiếm cái đẹp, tìm lại những rung cảm nguyên thủy nhất từ bản ngã mỗi người nghệ sĩ.
“Ở cái thời mà người ta hát giông giống nhau, nói giông giống nhau, ngay cả nỗi buồn cũng giông giống nhau thì mình tha thiết muốn làm một điều gì đó để giữ lại cho con, cho cháu”-ông Đoàn Nguyên Lộc-chủ quán Ia Drang chia sẻ như vậy khi đứng ra làm cầu nối cho những cuộc hội ngộ này.
Những cuộc đối thoại
Khi tôi xem lại những họa phẩm đang được trưng bày tại không gian quán cà phê Ia Drang được chụp bằng điện thoại, nhận ra bóng mình phản chiếu trong tấm kính lồng khung bức “Uống trà” của họa sĩ Trung Dũng Kqd. Giây phút đó, tôi bàng hoàng nhận ra vẻ sâu thẳm trong những đường nét tối giản được vẽ trên nền giấy dó như một cuộc đối thoại: Tôi đang uống trà hay trà uống tôi. Thoạt nhìn, họa phẩm như một tờ giấy tình cờ bị vẩy lên những chấm mực đen và bôi vẽ không chủ ý, thế nhưng lại là câu chuyện của trà, câu chuyện về dòng chảy hàng ngàn năm của thứ đồ uống quyền lực nhưng cũng giản dị mà trang nhã hết mực.
Các nghệ sĩ hội ngộ tại cao nguyên. Ảnh: H.N
Đến với những họa phẩm trong “Hội ngộ mùa đông” là như vậy. Một cuộc chơi hoàn toàn ngẫu hứng của những người họa sĩ có chung sự đồng điệu, vì thế cũng mang đến những cảm xúc hoàn toàn bất ngờ cho người thưởng lãm. Chẳng ai biết nàng thơ trong họa phẩm “Khăn tím” (chất liệu tổng hợp) của họa sĩ Phùng Tấn Đạt là ai, có phải một giai nhân nào trong mối quan hệ riêng tư với ông hay không. Nhưng sắc tím gợi bao nhiêu là hoài niệm cùng nét đẹp tao nhã của người con gái trong tranh gợi cảm giác nàng thơ ấy là của riêng mỗi người. Tác phẩm “Tan rã” (chất liệu sơn dầu) của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn có lẽ mang phép ẩn dụ đa nghĩa hơn là khắc họa đơn thuần một thân cá chỉ còn trơ lại bộ xương, lạnh ngắt bên bờ biển tung bọt trắng xóa. Màu xám của nước hay của thứ kim loại nặng đang hủy diệt tự nhiên đến mức “ám ảnh, gào thét”-như điêu khắc trẻ Nguyễn Vinh đã cảm thán như vậy khi nói về tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn.
2 nữ họa sĩ chủ nhà tham gia “Hội ngộ mùa đông” năm nay là Hồ Thị Xuân Thu và Uyên Mai đại diện cho 2 thế hệ cầm cọ. Bức “Hồn núi” của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu vẫn khẳng định được nghệ thuật đỉnh cao của tranh sơn mài, gây chú ý bởi nét đẹp thiên nhiên huyền bí của núi rừng Tây Nguyên. Ở đó đang diễn ra một cuộc đối thoại giữa con người với thiên nhiên bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ. Mỗi chúng ta đều có thể tham gia vào cuộc trò chuyện ấy bằng cách đối diện với “Hồn núi”. Cái chung và sự riêng tư ngỡ là khoảng cách lớn lao nhưng hóa ra lại là một, hồn núi hay hồn người, con người ở trong tất cả hay tất cả ở trong con người là một triết lý vĩnh hằng mà con người luôn suốt đời kiếm tìm. Một sự tĩnh lặng khác hay là một khát khao về sự tĩnh lặng trong đời sống là những cảm xúc trái ngược đến từ “Hoàng hôn trên đập Tân Sơn” (sơn dầu) của họa sĩ trẻ Uyên Mai. Rừng cây soi bóng ven hồ. Mặt nước ngỡ tĩnh lặng soi bóng núi nhưng nhìn kỹ giữa thinh không ấy, một con thuyền đang trong tâm điểm những xoáy nước. Bức họa gợi lên những cảm xúc thật mong manh nhưng cũng thật dữ dội trong cuộc đấu tranh nội tại bên trong con người mình để tìm kiếm những phút giây tĩnh lặng, cân bằng.
“Đừng đỗ ở một bến đã nhiều thuyền”
Họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã nói như vậy bên lề của cuộc chơi thú vị này. Có lẽ đó cũng là tinh thần của “Hội ngộ mùa đông” hàng năm tại Gia Lai của các nghệ sĩ. Đó không phải là một bến đỗ dừng chân của quá nhiều con thuyền na ná nhau, giông giống nhau, mà mỗi người nghệ sĩ đều tự do đi tìm cho mình một bến đỗ mới, không ngừng khát khao, sáng tạo để tạo nên những vẻ đẹp riêng.
Những họa phẩm của các họa sĩ được trưng bày tại quán cà phê Ia Drang. Ảnh: H.N
Người khởi xướng cho những gặp gỡ thú vị này cách đây 3 năm trước là họa sĩ Phạm Duy Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) và họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu (Gia Lai). Họa sĩ Phạm Duy Hoàng chia sẻ: “Chúng tôi có mối quan hệ bạn bè từ rất lâu và vẫn thường xuyên giữ liên lạc dù mỗi người mỗi nơi. Ngoài “Hội ngộ mùa đông”, chúng tôi còn có “Hội ngộ mùa xuân”, “Hội ngộ mùa thu” được tổ chức tại  TP. Hồ Chí Minh”. Hội ngộ mùa đông được tổ chức tại TP. Pleiku bởi thời điểm này Phố núi đang vào đông nhưng một ngày có 4 mùa, gợi nhiều xúc cảm cho người nghệ sĩ.
Cuộc hội ngộ năm nay có sự tham gia của 14 họa sĩ đã thành danh đến từ các tỉnh, thành: Đak Lak, Gia Lai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... như: Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Dũng, Hồ Doãn, Hồ Thị Xuân Thu, Phạm Đình Nam, Phan Trọng Văn, Võ Trường Linh… Mỗi họa sĩ đem đến chỉ 1-2 tác phẩm trưng bày. Đó không hẳn là tác phẩm ưng ý nhất nhưng là một phác họa cho tính cách cá nhân, phong cách hội họa hay đơn giản là một câu chuyện riêng tư mà tác giả muốn chia sẻ cùng những người bạn tâm giao. Họa sĩ Phạm Duy Hoàng cho hay: “Mỗi năm, các họa sĩ đem đến một bức tranh khác nhau và trưng bày tại không gian quán cà phê Ia Drang cho đến kỳ hội ngộ năm sau sẽ thay bức tranh khác. Không chỉ để các họa sĩ biết đến phong cách sáng tác của nhau mà chúng tôi cũng muốn tạo một không gian cho những người yêu nghệ thuật cùng thưởng thức. Ia Drang cafe tựa như một phòng tranh thu nhỏ, mọi người có thể đến đây để vừa thưởng thức những loại cà phê hảo hạng đến từ nông trại ở xã Ia Drăng của ông Đoàn Nguyên Lộc, vừa thưởng lãm tranh trong mùa đông Phố núi”.  
Nói về chương trình hội ngộ thường niên này, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chia sẻ: “Thông qua chương trình này, tôi mong muốn kết nối văn nghệ sĩ Gia Lai với giới mỹ thuật khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chủ quán cà phê Ia Drang-một người rất nghệ sĩ, rất yêu và hiểu về Pleiku và đời sống văn nghệ sĩ từ trước 1975 cho đến nay. Đây cũng là cách để chúng tôi thể hiện tấm lòng với Phố núi trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku”.
NGUYÊN BÌNH-PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm