(GLO)- Ngày 31-10, tại Khách sạn Pleiku (TP. Pleiku), UBND tỉnh phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực”.
GS.VS. Anatoly.Deravianko trình bày tham luận nguồn gốc Kỹ nghệ ghè hai mặt ở Đông và Đông Nam Á. |
Tham dự hội thảo có ông Dương Văn Trang-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; GS.TS Phạm Văn Đức-Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS.VS.Anatoly. Derevianko-Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga; PGS.TS. Nguyễn Giang Hải-Viện trưởng Viện Khảo cổ học cùng các đại biểu, nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia: Nga, Úc, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippin, Myanmar; các đại biểu đến từ tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Đak Lak cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh.
Ông Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho GS.VS. Anatoly. Derevianko Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. |
Ngoài tham luận về “Kết quả sơ bộ nghiên cứu khảo cổ học tại thị xã An Khê, Gia Lai năm 2015-2016”, Hội thảo còn được lắng nghe nhiều tham luận về các nghiên cứu khảo cổ thời đại đá cũ ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như: “Nguồn gốc của kỹ nghệ ghè hai mặt ở Đông và Đông Nam Á”; “Khảo cổ học Thời đại đá cũ ở Thái Lan”; “Thời đại đá cũ Philippin và kỹ nghệ mảnh xước”; “Sự phát triển khảo cổ học thời đại đá cũ ở Nam Trung Quốc”… Từ đó, có thể thấy được những giá trị quan trọng khảo cổ thời đại đá cũ ở Việt Nam trong bức tranh toàn cảnh của khu vực và thế giới.
Ông Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà kỷ niệm cho các đại biểu quốc tế. |
Hội thảo được tổ chức là kết quả của một chương trình nghiên cứu được thực hiện nhiều năm qua giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga và UBND tỉnh. Những phát hiện về đồ đá cũ ở Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai) vẫn chưa đủ độ thuyết phục giới nghiên cứu khảo cổ trên thế giới. Vì thế, viện phát hiện, khai quật và nghiên cứu nhóm di tích thời đại đá cũ ở An Khê có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử quốc gia, mang tính gợi mở, hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở An Khê, Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Hội thảo lần này là một sự kiện quan trọng đối với tỉnh Gia Lai và các địa phương trong khu vực. Những điểm khảo cổ đã được phát hiện, công bố là hết sức quý báu và đáng trân trọng. Tuy nhiên theo thống kê của cơ quan chuyên môn, Gia Lai hiện đang có khá nhiều địa điểm khảo cổ phân bố tại một số địa phương mà chưa được khai quật. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để trong thời gian tới, những trầm tích văn hóa ấy sẽ được tiếp tục đánh thức và giữ gìn”.
Ngày 1-11, sau khi Hội thảo kết thúc, các đại biểu, nhà nghiên cứu sẽ đến thăm quan di tích tại thị xã An Khê.
Phương Linh