Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Hội thảo "Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 24-11, tại Hội trường 23-3 (thị xã An Khê), “Hội thảo Khoa học Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn” do UBND tỉnh tổ chức chính thức khai mạc. 
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Linh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Linh
Tham dự hội thảo có: GS. Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê-Viện sĩ Thông tấn, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS.Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, UBND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định); đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, hội tỉnh; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê, các huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro; các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, thầy cô giáo giảng dạy lịch sử, văn hóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đây là lần đầu tiên Gia Lai tổ chức hội thảo về chủ đề Tây Sơn Thượng đạo, nội dung hội thảo đặt trong bối cảnh của cuộc khởi nghĩa nông dân do ba anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo vào những năm cuối của thế kỷ XVIII. Từ cuộc khởi nghĩa nông dân, thắng lợi của phong trào Tây Sơn đã đưa đất nước ta lên một tầm cao mới. Đồng hành với sự phát triển của dân tộc, miền An Khê xưa (bao gồm cả An Khê, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro) may mắn được lịch sử chọn làm một điểm tựa ban đầu. 
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã trình bày, tham gia nhiều tham luận có nội dung được chia thành 2 mảng chính: Khởi nghĩa Tây Sơn và Tây Sơn Thượng đạo gồm 16 báo cáo (trong đó có 4 báo cáo đề cập đến một số vấn đề vừa tổng quát, vừa cụ thể gắn với giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn; 12 báo cáo còn lại tập trung trình bày vị trí, vai trò của Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn) và Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (gồm 24 báo cáo thuộc các nhóm vấn đề: nhận diện Tây Sơn Thượng đạo và di sản Tây Sơn Thượng đạo; Phát huy giá trị di sản Tây Sơ thượng đạo trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; Phát huy giá trị di sản Tây Sơn Thượng đạo trong văn hóa, du lịch và phát triển kinh tế).
 Đồng chí Võ Ngọc Thành phát biểu khai mạc Hội thảo Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn. Ảnh: Phương Linh
Đồng chí Võ Ngọc Thành phát biểu khai mạc Hội thảo Tây Sơn Thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn. Ảnh: Phương Linh
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai luôn xác định thị xã An Khê là khu vực trọng điểm kinh tế, xã hội phía Đông của tỉnh. An Khê ngày nay đã có nhiều khởi sắc, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng lên. Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn được xúc tiến mạnh mẽ, gắn liền với việc huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển du lịch, trong đó có quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Gia Lai vui mừng được chào đón các nhà khoa học, các quý vị đại biểu về dự hội thảo tại mảnh đất Tây Sơn Thượng đạo, có những ý kiến đóng góp xác đáng, luận cứ khoa học chặt chẽ để cùng chia sẻ, đồng hành với tỉnh Gia Lai và thị xã An Khê trong việc tiếp cận, giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, bảo tàng, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vào phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện và hiệu quả nhất”. 
Trước đó, ngày 23-11, các đại biểu tham dự hội thảo đã đến tham quan tại các địa điểm nằm trong quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo như An Khê Trường, An Khê Đình, Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo, Miếu Xà (thị xã An Khê) và làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang). 
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm