Báo xuân

Hương lúa Plei Pai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 3 năm, mùa khô hạn khủng khiếp đã cướp đi toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân của nông dân 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr (huyện Chư Prông). Cái đói ám muội khắp những mái nhà năm ấy. Khi cây lúa chỉ biết mong ngóng vào nước trời, người trồng lúa như đánh đu với trời, với đất. Bát cơm không dễ thuận mồ hôi, mà phụ thuộc trời cho hay bạc. Nhưng nay, ký ức buồn đó đang dần xa…

Nắng trưa gay gắt, ông Ma Văn Tiến (thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu) vội đưa lũ cháu nhỏ lên nhà ngủ trưa rồi đội nón ra sân đảo thóc. Những hạt thóc vàng ươm, căng mẩy. Chỉ sau vài đường dũi, mồ hôi đã bắt đầu lấm tấm trên gương mặt lão nông tuổi gần 60 mùa rẫy. Kết thúc lượt đảo, ông vốc một nắm thóc đưa lên xem, mắt lấp lánh: “Chỉ cần một hai nắng nữa là được. Lúa vụ mùa này chắc quá”.
 

Ảnh: Nguyên Võ
Ảnh: Nguyên Võ

Rồi ông kể, nhà ông là một trong những hộ trồng nhiều lúa nhất thôn Bắc Thái này. Với 2,5 ha lúa hưởng lợi từ nguồn nước mát công trình thủy lợi Plei Pai, mỗi năm ông thu được vài chục tấn thóc. Chẳng những đủ thóc lúa để ăn mà mỗi vụ, tiền bán thóc cũng đem lại cho gia đình khoản lợi không nhỏ. “Vụ mùa này nhà tôi thu chừng 15 tấn, mỗi năm nhà chỉ dành chừng 2 tấn để ăn, còn lại đem bán. Một năm 2 vụ, giá lúa năm nay được trên 5.000 đồng/kg, sơ sơ cũng được gần trăm triệu đồng tiền lúa”-ông Tiến phấn khởi cho biết.

Không quá khi nói, nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Pai đã đem lại sức sống mới cho bà con làng Đút (xã Ia Lâu)-ngôi làng với hơn 100 hộ bà con đồng bào Jrai nơi này. Cây lúa rẫy dần được thay thế bằng lúa nước, ấy đã là một cuộc cách mạng trên hành trình xóa đói. Từ cây lúa nước một vụ đủ ăn, bước lên sản xuất hai vụ để thoát nghèo, ấy là bước tiến thứ hai. Rơ Mah Bak-một người dân trong làng-vẫn chưa quên những mùa đói giáp hạt, bát cơm bắp, mì độn nhiều hơn cơm. Cái ăn đã thiếu, nói chi đến chuyện làm giàu.
 

 

Nhưng nay thì khác, nước mát về sát rìa làng, những vạt cỏ um tùm được dọn sạch để làm ruộng. Hơn 1 ha ruộng lúa nước nhà Bak cứ 2 vụ đều đặn cho những hạt thóc vàng ươm. Cơm độn đã lùi vào ký ức, nay Bak đã cất được căn nhà ở vững chãi, mua được ti vi, xe máy đi lại, con cái được đến trường. Bà con xung quanh cũng nhiều hộ làm được như Bak.

…Được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2012, công trình thủy lợi Plei Pai hiện đang cung cấp nguồn nước tưới cho hơn 400 ha cây trồng (trong đó chủ yếu là lúa nước) của bà con 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr. “Trước đây, vào thời điểm mùa khô hầu như năm nào bà con cũng thiếu nước sản xuất, cây trồng phải chịu khô hạn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Từ ngày công trình đưa vào khai thác, nguồn nước tưới được chủ động điều tiết, bài toán thiếu nước sản xuất trong mùa khô đã được giải quyết. Điều này vô cùng có ý nghĩa khi người dân trên địa bàn xã đa phần làm nông nghiệp và chủ yếu trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cần một lượng nước tưới ổn định để sản xuất”-anh Nông Văn Hoàng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu, cho biết.
 

Đập thủy lợi Plei Pai. Ảnh: H.L
Đập thủy lợi Plei Pai. Ảnh: H.L

Anh Hoàng giải thích thêm, trước đây bà con Ia Lâu đa phần chỉ canh tác được lúa nước một vụ (vụ mùa), nay có công trình thủy lợi, bà con canh tác thêm vụ lúa Đông Xuân. Những vùng khô hạn trước đây không thể trồng được lúa nước, nay cũng được xây dựng hệ thống mương máng để trồng lúa nước 2 vụ. Không những thế, công trình thủy lợi còn đem lại cho người dân nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào. Diện tích mặt nước rộng lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi thủy sản. “Địa phương cũng sẽ tập trung khai thác thế mạnh này, đem thêm nguồn thu cho nhân dân”-anh Hoàng nhấn mạnh.

Nước về, bát cơm của người dân vùng biên này như đầy đặn hơn. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, đã nắm được cái nhất trong tay, khó gì để người dân tạo nên những mùa vàng!

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm