Báo xuân

Hương rượu bo bo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rượu cần từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Tùy theo phong tục và sở thích, mỗi dân tộc có một công thức chế biến mang hương vị đặc trưng riêng. Với người Bahnar ở Kông Chro, tỉnh Gia Lai, hạt bo bo là nguyên liệu không thể thiếu cho một ghè rượu ngon, được họ trân quý và bảo tồn qua các thế hệ.

Giữ gìn truyền thống

 

Ở làng Nghe Nhỏ, bo bo vẫn còn trồng nhiều quanh những nếp nhà. Ảnh: Hồng Thi
Ở làng Nghe Nhỏ, bo bo vẫn còn trồng nhiều quanh những nếp nhà. Ảnh: Hồng Thi

Một buổi sáng cuối năm, chúng tôi về với làng Nghe Nhỏ (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai)-nơi bo bo vẫn còn được trồng khá nhiều xung quanh các nếp nhà. Tháng 12 là thời điểm bo bo bắt đầu chín. Những thân cây cao khẳng khiu dần ngả vàng, chỉ còn sót lại một vài lá xanh ở tít đầu ngọn như đang cố gắng chở che cho chùm hạt đỏ bóng mẩy vô tư thả mình đung đưa theo gió. Thấp thoáng đâu đó trên mấy cánh đồng, các bà, các chị với chiếc gùi sau lưng, nhanh tay thu hoạch bo bo để về ủ rượu ăn Tết. Không khí chộn rộn lan tỏa cả góc làng.

Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh làng, chị Đinh Thị Trinh-Phó Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Kông Chro (cũng là người con của làng) bày tỏ rằng, chị rất tự hào vì làng mình là một trong những ngôi làng Bahnar ít ỏi tại địa phương vẫn duy trì được việc trồng bo bo để làm rượu. Dù diện tích chẳng còn nhiều như trước (cả làng khoảng 3 ha), song hầu như nhà nào cũng trồng để gìn giữ giống cây làm rượu truyền thống của dân tộc. “Ngày xưa trồng bo bo không chỉ để ủ rượu mà còn để ăn chống đói qua ngày nên dân làng trồng nhiều lắm. Mình nghe ông bà kể lại như thế”-chị Trinh giải thích thêm.

 

Bà Jrưk thu hoạch bo bo để ủ rượu Tết. Ảnh: Hồng Thi
Bà Jrưk thu hoạch bo bo để ủ rượu Tết. Ảnh: Hồng Thi

Gia đình bà Đinh Thị Jrưk trồng bo bo nhiều nhất làng Nghe Nhỏ với diện tích 1 ha. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Jrưk bảo: Mình cũng không biết cây bo bo mọc lên trên mảnh đất của làng tự bao giờ và có nguồn gốc ở đâu mà chỉ nhớ rằng khi mình còn rất bé đã thấy nó vươn cao mạnh mẽ giữa đồng, được người làng trồng xen với lúa rẫy từ năm này qua năm khác. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, mẹ lại chọn ra những chùm bo bo đẹp, chắc đem phơi khô rồi treo nơi góc bếp để dành xuống giống vào mùa vụ sau. Hàng năm, cứ đến độ tháng 4, tháng 5 Dương lịch, chúng tôi gieo bo bo cùng với lúa. 6 tháng sau, bo bo sẽ cho thu hoạch”.

Rượu ngon tùy tay người

 

Những ghè rượu bo bo đang được ủ. Ảnh: Hồng Thi
Những ghè rượu bo bo đang được ủ. Ảnh: Hồng Thi

Bà Jrưk kể rằng, ngày trước bà hay ngồi xem mẹ mình ủ rượu bo bo, tự tập tành học theo rồi biết ủ từ năm 18 tuổi. Theo bà Jrưk, rượu ngon hay không là tùy ở tay người ủ. Bởi lẽ, quy trình làm rượu cần từ hạt bo bo của người Bahnar xưa nay vẫn chỉ có duy nhất một công thức nhưng mỗi người làm ra lại mang một hương vị khác nhau.

Để có được một ghè rượu bo bo thơm ngon, thoạt đầu nghe có vẻ đơn giản song khi bắt tay vào thực hiện mới thấy lắm kỳ công. Hạt bo bo sau thu hoạch sẽ được giữ nguyên chùm và phơi khô độ 2-3 tuần. Đây là yêu cầu bắt buộc bởi nếu phơi chưa đủ nắng, hạt bo bo khi giã sẽ không bong hết vỏ mà còn bị nát. Bo bo khô được tách rời từng hạt, cho vào cối giã lấy phần hạt trắng bên trong, sau đó nấu tựa nấu cơm, đến lúc cạn nước lại phải giữ thêm một thời gian cho thật ráo để tránh bị chua. Công đoạn trộn men được tiến hành sau khi bo bo đã nguội. Bà Jrưk cho hay, thường thì bà chỉ bỏ khoảng 1 hạt men (loại men rượu mua ngoài chợ) cho 3 ghè rượu lớn là vừa đủ độ; ít quá rượu ủ sẽ khó lên men còn nhiều quá rượu sẽ có vị chua. Tùy thời tiết nóng hay lạnh mà để bo bo ngấm men trong 1-2 ngày đêm trước khi cho vào ghè ủ kín khoảng 2 tháng.

 

Những câu chuyện vui bên ché rượu cần. Ảnh: Hồng Thi
Những câu chuyện vui bên ché rượu cần. Ảnh: Hồng Thi

Quả không ngoa khi rượu ghè làm từ hạt bo bo được người Bahnar ở thị trấn Kông Chro xếp vào hàng thượng hạng. Trong những lễ hội của làng, nhất là lễ đóng cửa kho (teng amăng) và mừng lúa mới (sma kcham) được tổ chức vào ngày 29 hoặc 30 Tết hàng năm, rượu bo bo là thức uống không bao giờ được phép thiếu. “Rượu bo bo cho nước cốt nhiều, khi uống đến can thứ 9, thứ 10 vẫn còn thơm ngọt; độ rượu cũng mạnh nên cho cảm giác lâng lâng sớm hơn. Đặc biệt, uống nhiều cũng không lo bị đau bụng, đau đầu hay ngộ độc gì cả. Các bạn cứ thử đi rồi tự mình kiểm chứng”-chị Trinh vừa nói vừa đưa cần rượu về phía chúng tôi.

Đưa cần lên miệng, tôi khẽ hít một hơi. Vị ngọt thơm của thứ chất lỏng đầy mê hoặc ấy cứ ngấm dần vào đầu lưỡi rồi lan dần cả cơ thể. “Ngon lắm ạ”-tôi đưa mắt về phía bà Jrưk và chị Trinh mỉm cười nhận xét. Và rồi, những câu chuyện của chúng tôi về rượu, về bo bo, về lũ làng và về cả ước vọng của bà con Bahnar Nghe Nhỏ trong năm mới cứ thế tiếp nối nhau bên những can rượu ấm tình.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm