Hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc) được xác định là yếu tố làm tăng nguy cơ suyễn, viêm màng não, viêm tai giữa và đột tử trong khi ngủ ở trẻ nhỏ.
Mới đây, các chuyên gia khoa y tế cộng đồng Đại học Haward (Mỹ) phát hiện, trẻ em tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ cao phát triển các rối loạn về tâm thần và hành vi, bao gồm chứng tăng động giảm tập trung (ADHD).
Qua phân tích hơn 50.000 kết quả từ cuộc khảo sát sức khỏe trẻ em Mỹ giai đoạn 2007-2008, các nhà nghiên cứu phát hiện 6% trẻ em dưới 12 tuổi (khoảng 5 triệu em) có tiếp xúc với khói thuốc ở nhà. Những trẻ này có 50% nguy cơ phát triển các rối loạn hành vi liên quan đến thần kinh như khả năng học tập kém (chiếm tỷ lệ 8,2%), tăng động giảm tập trung (5,9%) và các dạng rối loạn hành vi khác (3,6%).
Các bé trai và trẻ từ 9-11 tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh.
Tuy không chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết nếu trẻ không tiếp xúc với khói thuốc thì có thể ngăn ngừa khoảng 274.000 trường hợp trẻ em Mỹ mắc các chứng rối loạn.
Phát hiện này có thể giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở khám chữa bệnh thần kinh ở trẻ nhỏ, cũng như ngăn chặn nguy cơ trẻ bị nghiện nicotine trong khói thuốc và hình thành thói quen hút thuốc lá khi trưởng thành.
Theo VOV