Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Huyện Đak Đoa: Vỡ nợ 36 tỷ đồng làm rúng động quê nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 2-6, bà Nguyễn Thị Nguyệt-chủ doanh nghiệp thu mua, nhận kí gửi cà phê Nguyệt Tỉnh (ở thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đến cơ quan Công an để thông báo phá sản. Vụ việc đã khiến hàng chục hộ dân có tham gia ký gửi nông sản tại cơ sở này rất hoang mang.

Lợi dụng lòng tin thu mua nông sản nợ

Theo các hộ dân mà bà Nguyệt nợ tiền, họ bán, ký gửi nông sản cho bà Nguyệt vì nghĩ bà này là người đồng hương và làm ăn có uy tín. Cũng vì nghĩ thế nên nhiều người cho bà Nguyệt nợ tiền bán nông sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh vừa thu mua nông sản vừa cung ứng phân bón cho bà con. Đầu mùa, doanh nghiệp này sẽ cung ứng phân bón nợ cho người dân đến mùa mưa doanh nghiệp này sẽ nhận giữ số lượng nông sản của các hộ gia đình đã nhận cung ứng phân bón và trả tiền khi người dân muốn bán.

 

Vụ vỡ nợ như một cơn lốc xoáy qua quê nghèo. Ảnh: N.N
Vụ vỡ nợ như một cơn lốc xoáy qua quê nghèo. Ảnh: N.N

Bà Trương Thị Kim Nga (57 tuổi, thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho biết, gia đình bà bắt đầu ký gửi 10 tấn cà phê cho doanh nghiệp này vào năm 2014 và được hứa hẹn sẽ trả vào năm 2015 nhưng mãi vẫn không thấy trả. Khi bà Nga đến đòi nợ thì bà Nguyệt cho biết hiện tại giá cà đang hạ nếu bán đi để trả nợ cho bà Nga thì doanh nghiệp sẽ lỗ. Nghĩ vì tình nghĩa đồng hương nên bà Nga chưa đòi vội. “Mãi đến khi tôi đi mổ tim, bà Nguyệt mới trả cho tôi một ít và còn nợ 200 triệu đồng. Đến bây giờ thì vụ vỡ nợ xảy ra. Tôi cứ nghĩ bà Nguyệt đồng hương nên mới cho nợ. Ai ngờ bây giờ bà không trả, chúng tôi lấy tiền đâu mà nuôi thân”-bà Nga khóc nghẹn.

Bà Đỗ Thị Út (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng)-một trong những hộ gia đình có số lượng cà phê ký gửi tại doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh nhiều nhất, cho biết:  “Năm ngoái, gia đình tôi ký gửi cà phê ở doanh nghiệp này với số lượng trên 80 tấn vì nghĩ họ làm ăn lớn nên có uy tín. Hiện tại, tôi vẫn còn kí gửi ở doanh nghiệp này trên 53 tấn cà phê với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng”. Bà Út cũng cho biết, gia đình bà sẽ khởi kiện đối với doanh nghiệp nói trên.

“Cơn lốc” qua quê nghèo

 

Doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh vừa công bố vỡ nợ. Ảnh: N.N
Doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh vừa công bố vỡ nợ. Ảnh: N.N

Vụ vỡ nợ vừa được công bố cũng là lúc những giọt nước mắt cuả bà con tại thôn Hrac, xã Đak Djrăng tuôn rơi. Anh Bùi Văn Mộc cho biết, vụ vỡ nợ này giống như một "cơn lốc xoáy" vậy. Anh Mộc dự định tháng tới sẽ bán hết số nông sản đang ký gửi trên để trả 30 triệu đồng cho ngân hàng rồi sửa lại ngôi nhà. “Trên vai tôi là một mẹ già bệnh tật, rồi 4 miệng ăn đang trông chờ vào 2,3 tấn cà phê cùng 1 tấn hồ tiêu tương đương 250 triệu đồng đang ký gửi ở doanh nghiệp này. Giờ thì mất hết rồi, gạo trong nhà cũng không còn, tới đây chưa biết tính sao”.

Bà Nguyễn Hoàng Oanh bủn rủn chân tay khi nghe tin Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh vỡ nợ. Bà cho biết hiện tại gia đình vẫn đang còn ký gửi tại doanh nghiệp này số nông sản trị giá 490 triệu đồng. “Mấy ngày nay, tôi chỉ biết nằm thôi chứ không biết làm gì cả. Đứa con trai chuẩn bị vào TP. Hồ Chí Minh  học lại mà chưa biết xoay đâu ra tiền cho nó đi học tiếp đây”.

Ông Vũ Văn Tiến-Trưởng Công an xã Kdang (huyện Đak Đoa) cho biết: Ngày 2-6, vợ chồng bà Nguyệt đến nhờ chính quyền bảo vệ tính mạng và công bố phá sản với số nợ là 36,4 tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ ký gửi nông sản tại doanh nghiệp trên. “Ngay khi nhận được tin báo, Công an xã Kdang đã huy động lực lượng xuống doanh nghiệp này để bảo vệ tránh việc tẩu tán tài sản gây thiệt hại cho người dân cũng như tuyên truyền người dân đi đòi nợ không nên manh động gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Cùng với đó, chúng tôi hướng dẫn người dân kê khai số nợ, làm đơn tố cáo và nộp về Công an huyện để xử lý”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết, hiện chưa xác định được vụ việc có lừa đảo hay không. Ủy ban nhân dân huyện đã giao cho Công an xác minh, làm rõ vụ việc. Cũng theo ông Phẩm, tài sản hiện có của vợ chồng bà Nguyệt mà ngành chức năng thống kê được gồm có 2 căn nhà và 4 ha cà phê.

Còn ông Bùi Đức Ngụ-Đội phó Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Đak Đoa thì thông tin: “Sau khi tiếp nhận đơn thư của người dân, đơn vị đã mời bà Nguyệt đến làm việc. Bước đầu xác định do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên mới xảy ra vụ vỡ nợ. Hiện đơn vị vẫn đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. Nếu xác định doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức độ vượt quá thẩm quyền thì đơn vị sẽ chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh để điều tra”.

Nguyễn Nhật

Có thể bạn quan tâm