Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Huyện Krông Pa: Triển khai cấp bách các biện pháp phòng-chống lũ lụt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 2-11, ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa đã ký Công điện khẩn số 01/CĐ-BCH về việc triển khai cấp cách các biện pháp phòng-chống ứng phó với mưa lũ trên địa bàn huyện.

Sáng 2-11, dù mực nước dâng cao nhưng người dân vẫn qua lại trên cầu gỗ trên sông Ba đoạn nối xã Phú Cần và xã Ia Rmok. Ảnh: Văn Ngọc
Sáng 2-11, dù mực nước dâng cao nhưng người dân vẫn qua lại trên cầu gỗ trên sông Ba đoạn nối xã Phú Cần và xã Ia Rmok. Ảnh: Văn Ngọc

Công điện nêu rõ, theo thông tin cảnh báo mưa dông trên khu vực tỉnh Gia Lai của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên số 33/CBTTNH, ngày 1-11-2016, hiện qua theo dõi trên khu vực phía Đông Bắc của tỉnh xuất hiện vùng mây đối lưu đang hình thành và phát triển mạnh, trong thời gian tới vùng mây đối lưu này sẽ tiếp tục phát triển gây mưa trên diện rộng.

Bên cạnh đó, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak cũng vừa thông báo mực nước ở hồ đang ở mức 429 mét nên Công ty sẽ vận hành hồ chứa trong trường hợp bất thường là xả nước với lưu lượng lớn nhất là 400 m3/s từ lúc 6 giờ ngày 2-11. Lúc 1 giờ ngày 2-11 đã ghi nhận xả tràn 200 m3/s. Nhà máy Thủy điện Đak Srông 3A&3B cũng thông báo hiện mực nước dâng 146,7 mét, với tổng lưu lượng về hạ du 400 m3/s và dự kiến sẽ xả lũ theo lưu lượng nước đến.

Từ những cơ sở đó, Ban Chỉ huy Phòng-chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu UBND các xã Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Rcăm, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Dreh và Krông Năng thông báo rộng rãi, thông tin tuyên truyền đến toàn thể nhân dân các thôn, buôn đang sinh sống và sản xuất ở khu vực ven sông suối dọc sông Ba; tiến hành di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, không triển khai các hoạt động trên sông suối như qua lại suối, đánh bắt cá, vớt cây cối; phải tạm ngừng sản xuất ở các vùng thấp trũng ven sông suối dọc sông Ba chờ đến khi ngừng xả lũ hoặc nước rút đảm bảo an toàn; tăng cường kiểm tra các đò ngang và nghiêm cấm các đò ngang chở người qua sông khi nước lớn.

 

Người dân vớt gỗ từ cây cầu đã bị cuốn trôi. Ảnh: Văn Ngọc
Người dân vớt gỗ từ cây cầu đã bị cuốn trôi. Ảnh: Văn Ngọc

Công điện cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ trên các sông, suối; tổ chức kiểm tra khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra ngập lũ, cô lập do lũ, sạt lở đất đá; yêu cầu các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn huyện phối hợp trong việc triển khai các phương án phòng-chống lũ, điều tiết lũ hợp lý theo quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để đảm bảo an toàn hồ chứa, giảm lũ về vùng hạ lưu…

Theo ghi nhận của P.V Báo Gia Lai, sáng 2-11, mực nước sông Ba đã dâng cao bất thường. Trên sông Ba đoạn giáp xã Phú Cần và xã Ia Rmok có hai cây cầu gỗ-nơi có trên dưới một ngàn lượt người qua lại mỗi ngày. Sáng 2-11, một cây cầu gỗ đã bị dòng nước cuốn trôi. Mực nước cũng dâng cao sát mép cầu còn lại nhưng người dân vẫn vô tư qua lại trên chiếc cầu này. Hiện có một số người dân túc trực làm nhiệm vụ vớt gỗ, củi, rác tập kết về cây cầu này để tránh áp lực lên cầu. 

  Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm