(GLO)- Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2018-2019, huyện Ia Grai (Gia Lai) sẽ gieo trồng 1.630 ha cây trồng các loại, gồm: 1.410 ha lúa nước, 210 ha rau và 10 ha bắp. Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân đạt hiệu quả, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực.
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Vụ Đông Xuân 2018-2019, huyện tiếp tục triển khai đăng ký kế hoạch sản xuất theo nhu cầu của địa phương. Huyện đã yêu cầu các địa phương thành lập Ban chỉ đạo sản xuất Đông Xuân nhằm rà soát thực tế và phân khai kế hoạch sản xuất cho từng thôn, làng. Đặc biệt, các địa phương phải xác định sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, không để thiệt hại do hạn và phát huy tối đa khả năng gieo trồng trên các chân ruộng đủ nước tưới, tuyệt đối không gieo trồng ở những vùng bị mất trắng do hạn trong các vụ Đông Xuân trước.
Người dân xã Ia Sao làm đất để gieo sạ lúa Đông Xuân. Ảnh: L.N |
Để sản xuất đạt hiệu quả, cơ quan chuyên môn của huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, lịch thời vụ, cách phòng trừ sâu bệnh và triển khai các biện pháp phòng-chống hạn. Với cây lúa nước, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân xuống giống tập trung từ ngày 1-12 đến 20-12; riêng vùng không chủ động được nguồn nước thì xuống giống sớm hơn để tránh hạn cuối vụ và kết thúc gieo sạ trước ngày 10-12. Theo ông Đào Lân Hưng, người dân nên gieo thưa ở mức 40-50 kg lúa lai/ha; kết hợp áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” (giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả) và “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận và giảm giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch). Đồng thời, sử dụng giống lúa chủ lực ngắn ngày, có khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh tốt như: HT1, ML48, OM 4900, OM6976, DV108, Q5 và một số giống triển vọng LH12, J02, RVT; giống bắp CP888, Bioseed 9698, CP333, C919, LVN10… “Huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đa dạng hóa cây trồng phù hợp điều kiện từng địa phương và nhu cầu thị trường. Đối với rau đậu các loại, huyện vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, xây dựng các vùng rau trọng điểm đạt tiêu chuẩn VietGAP”-ông Hưng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo cơ quan chuyên môn của huyện, tình trạng thiếu nước chỉ có thể xảy vào cuối vụ do có sự cạnh tranh nguồn nước tưới giữa cây công nghiệp dài ngày và cây lúa. Do đó, các xã, thị trấn cần tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình thủy lợi, điều tiết nước theo nhu cầu của từng loại cây trồng ở từng giai đoạn, phân lịch tưới hợp lý, rút ngắn thời gian các đợt tưới, tránh để xảy ra tranh chấp nước tưới, đặc biệt là giữa cây cà phê, hồ tiêu với cây lúa và thực hiện việc tưới luân phiên. Đối với cây công nghiệp dài ngày, người dân cần tăng cường tủ gốc giữ ấm ngay từ đầu vụ, trồng cây che bóng để hạn chế sự thoát hơi nước…
“Bên cạnh đó, UBND huyện Ia Grai cũng đã chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không sản xuất vượt quá năng lực tưới của các công trình thủy lợi và nguồn nước tự nhiên. Đội Quản lý khai thác các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi, cập nhật, báo cáo kịp thời mực nước hồ chứa; có kế hoạch bảo vệ công trình hồ, đập, đảm bảo an toàn công trình, an toàn sản xuất và đời sống dân cư ở vùng phụ cận; xây dựng phương án điều tiết nước chống hạn đối với các công trình thủy lợi, xây dựng quy chế điều tiết quản lý nguồn nước tại các con suối, ao hồ... Đồng thời, tổ chức duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, tích nước đảm bảo phát huy năng lực tưới theo thiết kế; tổ chức nạo vét kênh mương; thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước cho phù hợp với sản xuất”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết thêm.
Lê Nam