(GLO)- Cùng với nỗ lực “cán đích” nông thôn mới (NTM) theo đúng lộ trình vào năm 2020, xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) đang tập trung xây dựng 2 làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số gồm làng Mít Kom 1 và làng O.
Sau khi được huyện Ia Grai tổ chức cho đi tham quan thực tế tại làng Hek-làng NTM của xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), lãnh đạo xã Ia O đã mạnh dạn đăng ký năm 2019 sẽ xây dựng thành công 2 làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Ksor Tuy-Bí thư Đảng ủy xã-cho biết: Sở dĩ xã quyết tâm như vậy là bởi so với làng Hek, xuất phát điểm của làng O và làng Mít Kom 1 có những thuận lợi nhất định; nhiều tiêu chí khó như: quy hoạch, giao thông, giáo dục và đào tạo, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại, lao động có việc làm... đều đã đạt. Đặc biệt, các trục đường làng và liên làng đều đã được cứng hóa, đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện; các tuyến đường trong làng cũng đạt tỷ lệ cứng hóa theo quy định, đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Người dân các làng cũng có ý thức trong việc đào rãnh thoát nước 2 bên đường, tránh tình trạng đọng nước gây hư hỏng đường vào mùa mưa và làm hàng rào trồng cây bóng mát trên các trục đường làng, ngõ xóm.
Nhà rông làng Mít Kom 1 (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: A.H |
Khó khăn còn lại đối với làng O và làng Mít Kom 1 trong quá trình xây dựng làng NTM tập trung chủ yếu ở các tiêu chí: hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người và vệ sinh môi trường. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Bí thư Huyện ủy Ia Grai-cho hay: “Huyện đã chỉ đạo xã Ia O làm việc với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn để vận động nhân dân vào làm công nhân và cùng chung sức tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động nội lực trong dân và từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm”.
Theo thống kê, làng O hiện còn 25/135 hộ thuộc diện nghèo, làng Mít Kom 1 còn 17/100 hộ thuộc diện nghèo. Nguyên nhân nghèo được xác định một phần do người dân lười lao động, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại; phần khác là thiếu nhân lực, thiếu kiến thức và thiếu đất sản xuất. Do đó, để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, xã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2019, mỗi làng giảm 10 hộ nghèo. Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho hay, các ban, ngành, đoàn thể của xã cùng với 2 làng đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký vào làm công nhân trong các đội sản xuất thuộc các công ty thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi, các nguồn hỗ trợ về phát triển sản xuất nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập; vận động người dân mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định; làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; nuôi nhốt gia súc, gia cầm đúng nơi quy định... Trưởng thôn Ksor Mem bộc bạch: “Người dân làng O rất đồng tình ủng hộ chủ trương xây dựng làng NTM. Tuy nhiên, do người dân chưa có thói quen trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nên cần thời gian để thay đổi”. Và để giúp người dân thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức, ông Ksor Mem cho biết, làng đã chọn những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả để vận động làm trước, sau đó các hộ còn lại học hỏi, làm theo. Đến nay, nhiều gia đình trong làng đã tự nguyện di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra phía sau nhà, đào hố rác sau vườn, làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh...
Theo Chủ tịch UBND xã Ia O, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi để sửa chữa nhà ở cũng như các công trình phụ; đề nghị các lực lượng đứng chân trên địa bàn tham gia ngày công, giúp đỡ nhân dân di dời chuồng trại chăn nuôi, làm nhà vệ sinh, làm hàng rào... bảo đảm môi trường sống.
ANH HUY