Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa: Cánh đồng mì lớn trên đất Ia Tul

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sử dụng giống mới và cơ giới hóa sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu của những nông dân trồng mì theo cánh đồng lớn ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa) trong niên vụ này.  
   
Niên vụ này, 3 hộ nông dân Jrai gồm: Rơ Lan Roi, Ksor Thứ, Ksor Uyn (buôn Biah A, xã Ia Tul) cùng hợp tác trồng mì theo cánh đồng mẫu lớn với diện tích 8 ha. Bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 5-2018, đến nay, cánh đồng mì đã lên xanh mướt.

 

Diện tích mì trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn của bà con Jrai ở xã Ia Tul. Ảnh: S.C
Diện tích mì trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn của bà con Jrai ở xã Ia Tul. Ảnh: S.C

Ngay cả những đám xuống giống lúc thời tiết nắng gắt vẫn phát triển khá đều nhờ tưới đủ nước. “Trồng cây gì cũng phải có nước, có phân thì mới tốt được. Làm cánh đồng lớn thì không thể phụ thuộc vào ông trời mà mình phải chủ động mọi việc”-anh Ksor Uyn cho biết. Là một thanh niên, anh Uyn mong muốn thực hiện mô hình sản xuất kiểu mới để bà con Jrai trong vùng làm theo. Trên diện tích 8 ha liền vùng, liền thửa, máy móc cơ giới đã được đưa vào sản xuất để chủ động thời vụ, giảm chi phí nhân công từ khâu làm đất, lên luống, xuống giống, thu hoạch. Đặc biệt, nhờ áp dụng phương pháp trồng đứng bằng máy thay vì trồng xiên thủ công trước đây nên cây mì sinh trưởng nhanh, phát triển đều và giảm hẳn tỷ lệ cây chết. “Để chủ động lâu dài trong sản xuất, chúng tôi đang tính góp vốn để khoan giếng”-anh Uyn cho biết thêm.

“Với phương thức canh tác kiểu cũ, giống cũ, phụ thuộc vào nước trời là chính thì năng suất cây mì địa phương đạt cao nhất là 20 tấn/ha. Riêng cánh đồng 8 ha này, dự tính năng suất sẽ đạt 40 tấn/ha”-anh Ksor Thứ cho hay. Cũng theo anh Thứ, nhóm của anh đã đưa vào trồng giống mì HLS11 do Công ty giống Hưng Lộc Đồng Nai cung cấp. Đặc tính nổi trội của giống mì này là chịu hạn rất tốt, cho chất lượng tinh bột rất cao. Theo tính toán, chi phí đầu tư giống, phân bón, nước tưới, công thu hoạch xấp xỉ 15-17 triệu đồng/ha. Nếu năng suất cuối vụ đạt khoảng 40 tấn/ha, cộng giá bán đã được nhà máy cam kết bao tiêu ngay từ đầu, nhóm trồng mì chắc chắn có lãi. Bên cạnh đó, các hộ còn có thêm khoản tiền bán hom mì giống cho niên vụ sau.    

Mì là một trong 3 loại cây trồng chủ lực của xã Ia Tul với tổng diện tích trên 637 ha. Vì vậy, năm nay, xã được huyện giao thực hiện mô hình cánh đồng mì mẫu lớn với tổng diện tích 200 ha. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn xã mới chỉ triển khai được một mô hình cánh đồng mẫu lớn liền vùng, liền thửa. Theo lý giải của chính quyền địa phương, bà con vẫn còn tâm lý e ngại mất đất khi phá bờ lô, bờ thửa. Đây cũng chính là trở ngại lớn nhất khi triển khai cánh đồng mẫu lớn mặc dù chính quyền, đoàn thể địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, mùa mưa năm nay đến sớm nên mới đầu tháng 3-2018, nhiều hộ đã vội vàng xuống giống, làm phá vỡ quy hoạch.

Là xã có tỷ lệ người Jrai chiếm tới 96% dân số, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên việc triển khai cánh đồng mẫu lớn trên cây mì là bước chuyển cần thiết nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân xã Ia Tul. “Chúng tôi đặt rất nhiều tâm huyết vào mô hình này và rất yên tâm khi có sự hợp tác đầu tư giữa nông dân, ngân hàng và doanh nghiệp. Chỉ có làm cánh đồng mẫu lớn thì mới mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nếu làm theo phương thức cũ, chỉ khi cây mì được giá thì bà con mới có tiền đem về nhà. Còn ngược lại, thu xong không đủ trả nợ”-ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã  Ia Tul, trăn trở.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm