Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ia Pa: Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - Nhìn lại nửa kỳ hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Tại 5 xã thuộc vùng Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (DAGNKVTN) của huyện Ia Pa gồm: Ia Ma Rơn, Ia Broái, Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm, trải qua một nửa kỳ hoạt động (giai đoạn 2015-2019) có 7.768 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có thêm cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, 6.031 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình cơ sở hạ tầng. Đây là một tín hiệu đáng mừng để Ban Quản lý DAGNKVTN huyện Ia Pa tiếp tục thực hiện các hợp phần của Dự án cho những năm tiếp theo”-ông Võ Tấn Công-Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện, Phó Giám đốc Ban Quản lý DAGNKVTN huyện Ia Pa cho biết.

Cụ thể hóa mục tiêu dự án

 

 Công trình kiên cố hóa kênh nội đồng xã Ia Kdăm. Ảnh: Mai Linh
Công trình kiên cố hóa kênh nội đồng xã Ia Kdăm. Ảnh: Mai Linh

Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ dự án của Ban Quản lý DAGNKVTN huyện Ia Pa: Tổng số tiền dự án đầu tư tại huyện Ia Pa thông qua 4 hợp phần gồm: hợp phần 1: về phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) cấp xã và thôn làng; hợp phần 2: về phát triển sinh kế bền vững; hợp phần 3: về phát triển CSHT kết nối nâng cao năng lực và truyền thông; hợp phần 4: quản lý dự án trị giá 4,882 triệu USD. Mục tiêu của dự án là trao cho người nông dân “cần câu cơm”, tạo cơ hội và góp thêm nguồn lực để địa phương tập trung triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa bàn vùng dự án. Sâu xa hơn, khi dự án kết thúc, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Cụ thể hóa mục tiêu đó, từ cuối năm 2015, Ban Quản lý DAGNKVTN huyện Ia Pa đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, giới thiệu dự án về cơ sở, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình. Kết quả, đến nay, dự án đã có tổng số 33 công trình CSHT cấp xã và thôn làng, trong đó 22 công trình đã hoàn thành với tổng giá trị hơn 12,487 tỷ đồng, số công trình còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 9-2017; thành lập 82 nhóm LEG hỗ trợ cải thiện sinh kế, trong đó có 39 nhóm LEG an ninh lương thực- dinh dưỡng, 43 nhóm LEG đa dạng hóa sinh kế, 1 tiểu dự án 3 nhóm LEG để liên kết thị trường. Dự án cũng triển khai đầu tư 4 công trình cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực và truyền thông tại chỗ. Nhờ đó, 7.768 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số của địa phương có thêm cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, 6.031 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình cơ sở hạ tầng như công trình đường vào khu sản xuất xã Ia Tul, công trình kiên cố hóa kênh nội đồng và sữa chữa kênh mương,…

Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Trao đổi với P.V, anh Dương Văn Bắc-cán bộ CF (hướng dẫn viên cộng đồng) phụ trách xã Ia Ma Rơn (1 trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Ia Pa) cho biết: Đến nay, xã có hơn 450 hộ thuộc 20 nhóm hưởng lợi từ tiểu dự án sinh kế; hơn 1.000 hộ khác hưởng lợi từ 9 công trình cơ sở hạ tầng như đường bê tông xi măng, Nhà sinh hoạt cộng đồng,… Tổng kinh phí trên 15,7 tỷ đồng, (góp phần hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; tiêu chí số 3 về thủy lợi trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của xã). Đặc biệt, sau khi được tập huấn, triển khai nhóm tiểu dự án sinh kế nuôi bò lai sinh sản, nuôi dê, nuôi heo rừng lai, trồng đậu xanh, hay trồng nghệ, gừng, gấc,… từ 6 tháng đến 1 năm đều mang lại kết quả khả quan, khi tham gia dự án đã giúp người nghèo tháo gỡ vấn đề khó khăn trước đó là chọn cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương (nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Ia Ma Rơn là 33,75%, cuối năm 2016 là 28,77%, dự kiến đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 21,77%).

Tạo cơ hội liên kết thị trường ở huyện nghèo


 

Các nhóm sinh kế tham quan mô hình trồng gừng sạch trong bao tại xã Ia Ma Rơn. Ảnh: Mai Linh
Các nhóm sinh kế tham quan mô hình trồng gừng sạch trong bao tại xã Ia Ma Rơn. Ảnh: Mai Linh

Hiện nay trên địa bàn huyện đang liên kết với 4 doanh nghiệp tham gia với bà con nông dân về sinh kế gồm: trồng nghệ, trồng gừng sạch trong bao, trồng gấc, nuôi heo rừng lai. Các loại cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo hình thức hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, đơn cử như đối với cây gấc, hiện doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, trung bình mỗi quả gấc chín nặng từ 3-5 kg, dự báo  trong vụ thu hoạch năm 2017 tới đây năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha, mỗi ha người dân sẽ thu nhập bình quân 150-180 triệu đồng/năm-anh Hà Nguyễn Huy Hoàng-cán bộ tư vấn sinh kế Ban quản lý DAGNKVTN chia sẻ.

Dù khi triển khai dự án tại một trong số huyện nghèo bậc nhất của tỉnh, nhận thức của người dân còn hạn chế nhưng DAGNKVTN huyện Ia Pa đã và đang góp phần tạo cơ sở để hình thành CSHT thiết yếu, phát triển vùng sản xuất tập trung, đủ lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Dự án còn là động lực góp phần cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Mai Linh

Có thể bạn quan tâm