Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kbang: 1 trường hợp tử vong do nước lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 31-10 cho đến nay, tại các huyện phía Đông tỉnh bao gồm thị xã An Khê, các huyện Đak Pơ, Kbang và Kông Chro liên tục xuất hiện mưa lớn kéo dài. Cộng với đó, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã tiến hành xả lũ vận hành hồ chứa trong trường hợp bất thường đã gây ra một số ảnh hưởng đối với đời sống người dân ven sông Ba tại thị xã An Khê và huyện Kbang.


Cụ thể, bắt đầu vào lúc 23 giờ đêm 1-11, lưu lượng xả lũ qua tràn An Khê lớn nhất là 200 m3/s. Đến 8 giờ sáng ngày 2-11, lưu lượng xả nước lớn nhất 500 m3/s. Việc vận hành hồ chứa của thủy điện trong trường hợp bất thường đã gây ảnh hưởng đến nhiều người dân khu vực gần Sông Ba và hồ thủy điện. Cụ thể, tại thị xã An Khê, thời điểm xả lũ lại vào đêm khuya và rạng sáng khiến người dân không kịp ứng phó.
 

Cửa xả Thủy điện An Khê-Ka Nak ra sông Ba. Ảnh: Lê Hòa
Cửa xả Thủy điện An Khê-Ka Nak ra sông Ba. Ảnh: Lê Hòa

Đến cuối buổi sáng ngày 2-11, theo thông tin sơ bộ, nước lũ đã cuốn trôi 1 con bò, 3 con heo và nhiều gia cầm của các hộ dân. Tại đập tràn cầu suối Vối (tổ 2, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) một số người dân cho biết, khi đi ngang qua đập đã có 4 xe máy bị cuốn trôi, người dân chỉ trục vớt được 2 xe, rất may không có thiệt hại về người. Ngoài ra, một số khu vực dân cư gần sông Ba và hồ thủy điện bị nước tràn vào nhà dân, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND và các Ban ngành liên quan đã tổ chức thị sát, kiểm tra tình hình lụt tại một số địa điểm như: cửa xả nhà máy thủy điện An Khê- Ka Nak, khu dân cư trên đường Hoàng Hoa Thám, đập tràn thôn An Xuân 4 và Xuân An 1, công trình thủy lợi đập Đất Khách...

Tại thời điểm kiểm tra, một số tuyến đường nội bộ trong khu dân cư, một số đập tràn đều có hiện tượng bị ngập nước gây khó khăn cho đi lại, sinh hoạt của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua lại… Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão An Khê đã họp khẩn cấp bàn phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, chỉ đạo cơ quan Quân sự và Công an triển khai lực lượng đến các điểm bị ngập lụt kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

 

Sông Ba đoạn chân cầu mực nước dâng cao so với các ngày trước đây. Ảnh: Lê Hòa
Sông Ba đoạn chân cầu mực nước dâng cao so với các ngày trước đây. Ảnh: Lê Hòa

Theo tổng hợp của UBND huyện Kbang, tại các sông, suối trên địa bàn huyện Kbang mực nước dâng cao, có những vị trí ngầm tràn nước dâng cao không đi qua lại được (ngầm tràn thôn 07 xã Sơ Pai, ngầm tràn Làng Hà Nừng, xã Đak Rong…). Tại đèo đi vào xã Kon Pne đã bị sạt lở đất ta-luy dương, xe ô tô không qua lại được. Mực nước tại hồ Ka Nak (Thủy điện An Khê-KaNak) tính đến thời điểm 15 giờ ngày 03-11 là 510,1m/515,0m; lưu lượng nước tự nhiên về hồ là 159,33m3/s; mực nước qua tràn tại hồ B (Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh) là 820,41m/826,00m; mực nước qua tràn tại hồ C (Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh) là 975,25m/981,00m... Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có 1 trường hợp tử vong do mưa lũ, xảy ra tại lòng hồ C-xã Đak Rong (Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh). Nạn nhân là ông Đinh Công (sinh năm 1950, cư trú tại Làng Kon Von 1, xã Đak Rong, huyện Kbang).

Vào khoảng 10 giờ ngày 2-11, ông Đinh Công cùng vợ là Đinh Thị Yôm đang ở khu nhà đầm tại khu vực hồ C. Trong lúc đang cho gia cầm ăn, ông Đinh Công phát hiện chiếc xuồng bằng gỗ đang neo đậu tại bờ đã bị tuột dây neo và bị đẩy ra xa bờ khoảng 15 mét. Lúc này thời tiết tại khu vực lòng hồ C đang có mưu to, gió lớn nhưng ông Công vẫn bơi ra theo cố kéo chiếc xuồng vào bờ. Trong lúc kéo xuồng thì ông Công bị đuối nước. Bà Yôm đứng trên bờ kêu cứu và người dân đang ở gần đó đã nhanh chóng chèo thuyền ra ứng cứu nhưng không kịp. Chủ tịch UBND huyện Kbang đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân, nhưng do mưa to, gió lớn, mực nước tại vị trí này sâu và lòng hồ rộng nên việc tìm kiếm thi thể nạn nhân hiện vẫn chưa có kết quả.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp cộng với thủy điện An Khê-Ka Nak tiến hành xả lũ, các địa phương Kông Chro và Đak Pơ cũng gấp rút triển khai các phương án chủ động đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra do ảnh hưởng của mưa lũ. Theo ghi nhận đến chiều ngày 3-11, nhìn chung qua kiểm tra, nắm bắt tình hình bước đầu tại 2 huyện này đều chưa có thiệt hại về người cũng như về tài sản của nhà nước và nhân dân. Đến chiều 3-11, theo ghi nhận của P.V, thời tiết tại các huyện phía Đổng tỉnh đã dấu hiệu giảm dần, đặc biệt là đã giảm bớt các trận mưa to kéo dài. Tuy nhiên, trước thông tin tại Thông báo số 05/TB-PCTT ngày 2-11-2016 của Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đề cập sẽ nâng lưu lượng xả lũ của hồ về hạ du sông Ba lên mức 1.000 m3/s, nhiều người dân tại thị xã An Khê khá quan ngại.

Trước tình hình này, P.V Báo Gia Lai đã liên lạc với Ban Quản lý Thủy điện An Khê-Ka Nak để làm việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Thủy điên An Khê-Ka Nak từ chối trả lời về tình hình xả lũ với lý do bận công việc.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm