Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kbang cần tăng cường đoàn kết, tạo chuyển biến trên mọi lĩnh vực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang vào chiều 14-6 về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022 và một số vấn đề liên quan.

Dự buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trương Văn Đạt-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Thái Thanh Bình-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Huỳnh Quang Thái-Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang cùng đại diện các phòng, ban, ngành trực thuộc.

Định hướng kinh tế-xã hội

Bên cạnh việc báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang làm rõ một số nội dung. Cụ thể, định hướng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững; định hướng trong công tác giảm nghèo. Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn gắn với việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, tiềm năng thiên nhiên để phát triển du lịch, tạo nên giá trị riêng cho địa phương. Đặc biệt, định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện như thế nào để triển khai thực hiện các nội dung trên.

Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang. Ảnh: Tấn Linh
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh với Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang. Ảnh: Tấn Linh
Trong chương trình công tác tại huyện Kbang, sáng 14-6, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang) và khảo sát thực tế tại thác 50.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Tuyến thông tin: Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thu ngân sách đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện hơn 317,3 tỷ đồng, đạt 80,9% dự toán. Trong đó, thu ngân sách theo phân cấp hơn 22,1 tỷ đồng, đạt 53,7% chỉ tiêu nghị quyết năm 2022 của Huyện ủy. Các dự án, chương trình được triển khai tích cực ngay từ đầu năm. Các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được quan tâm thực hiện. Huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các dự án trên địa bàn. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất chủ trương đối với 32 dự án đăng ký khảo sát, triển khai. Đến nay, danh mục dự án kêu gọi đầu tư sau điều chỉnh giai đoạn 2021-2025 là 24 dự án, trong đó có 8 dự án về lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, 9 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 7 dự án về lĩnh vực du lịch.

Về định hướng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ nêu ý kiến: “Ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc của lực lượng chức năng, việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng người dân vùng đệm là giải pháp bền vững để vừa tạo thu nhập, vừa nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ rừng. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, trên diện tích đất lâm nghiệp thu hồi, chúng tôi khuyến khích bà con trồng cây lâm nghiệp như mắc ca, dổi xanh để hưởng lợi mà vẫn giữ được đất rừng. Huyện cũng khuyến khích người dân tham gia phối hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong tự nhiên. Đồng thời, chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn người dân làm du lịch để phát huy lợi thế về thiên nhiên của địa phương”.

Về việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là điểm nhấn trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của huyện. Hiện các trường THCS trên địa bàn đều có đội cồng chiêng “nhí”. Đây là đội ngũ kế cận sẽ góp phần phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn. Cùng với đó, để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2022 giảm 2,35% hộ nghèo (trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,22%), ngay từ đầu năm, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế. Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả nhằm cung ứng cho các nhà máy chế biến, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ngoài phát huy lợi thế của rừng, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư trồng dược liệu dưới tán rừng; lồng ghép nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đúng đối tượng, tạo động lực phát triển kinh tế.

Liên quan phát triển du lịch, dịch vụ, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho rằng dù tiềm năng du lịch có sẵn song đều liên quan đến rừng nên rất khó trong quy hoạch các điểm dừng chân cùng những dịch vụ đi kèm. Đề nghị tỉnh có cơ chế thoáng trong công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đồng thời với phát triển cây dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Gỡ khó để phát triển

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành tham gia nhiều ý kiến nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên các mặt công tác của huyện. Đối với vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trường Trung Tuyến cho rằng: Để hạn chế được tình trạng này thì cần thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Chúng ta phải chú trọng đến công tác giáo dục nhằm nâng cao dân trí, nhận thức của người dân. Cùng với đó, huyện cũng cần nghiên cứu có hướng xử lý quyết liệt hơn, chẳng hạn như xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm.

Định hướng một số nhiệm vụ cho địa phương trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đề nghị: “Huyện Kbang cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để triển khai vụ mùa 2022 hiệu quả; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP; tăng cường công tác quản lý thị trường, nhất là vật tư nông nghiệp trong bối cảnh giá cả đang ở mức cao”.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (đi trước) cùng đoàn công tác khảo sát tại khu vực thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Tấn Linh
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác khảo sát tại khu vực thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Tấn Linh



Công tác giảm nghèo, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại buổi làm việc. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt cho rằng: “Để phát triển kinh tế-xã hội, huyện Kbang cần bám vào quy hoạch vùng đã được xây dựng, phối hợp cùng các sở, ngành để đưa quy hoạch này vào hiện thực, phát huy hiệu quả. Huyện cần nghiên cứu lại lộ trình, phương pháp trong quá trình xây dựng nông thôn mới, dựa vào 3 nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, bám sát, nắm tình hình và “cầm tay chỉ việc” trong triển khai các chương trình, nhiệm vụ. Mỗi hộ gia đình, mỗi thôn, làng phải là hạt nhân trong triển khai, tổ chức thực hiện. Phát triển du lịch cộng đồng cũng là cách để tạo sinh kế, tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận những kết quả huyện Kbang đã đạt được trong thời gian qua. Qua khảo sát thực tế tại xã Kon Pne, Đak Rong, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một số điểm du lịch trên địa bàn huyện, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Kbang là huyện căn cứ cách mạng của tỉnh, có tiềm năng phát triển các lĩnh vực như: lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều nội dung chưa đạt như mong muốn; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đặc biệt, một số xã, làng có tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. An ninh nông thôn trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; số lượng cán bộ và năng lực của một số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Huyện Kbang cũng như các ngành chức năng cần làm rõ những đặc thù là gì để đề xuất ưu tiên trong cơ chế, chính sách. Đồng thời, rà soát, đánh giá xây dựng các phương án, đề án phát triển kinh tế-xã hội bằng cách lồng ghép nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện chủ động, các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ để kêu gọi các dự án đầu tư trên địa bàn về nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc thù của huyện; thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, liên kết thực hiện tour du lịch sinh thái. Huyện phải chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững; đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, tăng tốc độ giải ngân đúng kế hoạch đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng yêu cầu huyện tăng cường quản lý, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn; nâng cao trình độ học vấn cho người dân ở một số xã; tiếp tục chỉ đạo, phân công cán bộ các cơ quan nắm vấn đề ở thực tế nhanh nhất, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phân công nhiệm vụ, đơn vị phụ trách. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ sở, nâng cao vai trò của những người đứng đầu ở xã, thôn, làng. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt đại hội các cấp của các hội, đoàn thể. “Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang cần tăng cường đoàn kết, thống nhất nội bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm giải quyết những vấn đề vướng mắc ở cơ sở, tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo được những bước chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh.


Đối với các kiến nghị của huyện và 2 xã Kon Pne, Đak Rong, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp và ban hành kết luận của Bí thư Tỉnh ủy nhằm thống nhất triển khai thực hiện.
 

 QUANG TẤN - PHƯƠNG LINH

 

Có thể bạn quan tâm