Chúng tôi trở lại Kbang (Gia Lai) vào một ngày nắng rát. Xa ngút mắt là thăm thẳm những cánh rừng như xoa dịu đi cái nắng đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên. Nghĩ đến những người sẽ gặp, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến truyện ngắn “Người sót lại của Rừng Cười” của nhà văn Võ Thị Hảo vào những năm 90 của thế kỷ trước, dù sự so sánh này ít nhiều chưa thật tương đồng…
1. “Người sót lại của Rừng Cười” đã từng gây sóng gió trên văn đàn khi thẳng thắn đề cập đến thân phận, thậm chí là bi kịch của những nữ thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ- những người đã hy sinh tuổi đôi mươi ngời ngợi trong những cánh rừng Trường Sơn để làm nhiệm vụ bảo vệ kho vũ khí, quân lương- bởi trước nay khi nói về chiến tranh người ta hầu như đã quen nói đến chữ “tráng” chứ ít nhắc đến chữ “bi”. Ở đất Kbang này, hơn 30 năm trước, những cô gái “Thanh niên xung phong” từ khắp các vùng miền cũng đã gửi lại nơi đây những ngày đẹp nhất đời mình để hôm nay rừng có được màu xanh bát ngát ấy. Không ít người trong số họ đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai, nhưng cứ như là sự sắp đặt cay nghiệt của số phận, phần lớn họ đều lỡ dở cả cuộc đời…
Rừng Kbang. Ảnh: Đức Thụy |
“Hồi ấy, vùng này hoang sơ lắm, tàn tích chiến tranh còn đầy rẫy, ngổn ngang…”- ông hồi tưởng. “Vậy mà các cô ấy hăng hái lắm, không quản gì khó nhọc”. Phần lớn các cô từ miền Bắc và Bắc Trung bộ được vận động hoặc xung phong vào đây làm nhiệm vụ ươm cây, phát rừng, trồng rừng. Tất thảy đều mới đôi mươi. Cái khí thế của những ngày vừa toàn thắng vẫn rừng rực trong mỗi con người trẻ trung ấy, dù một năm thì phải hết 9 tháng nằm rừng, chỉ mùa mưa mới được về lại đơn vị, thiếu thốn trăm bề, có tháng phải ăn cơm độn triền miên. Nhưng sau một thời gian ngắn, chỉ có cánh chân yếu tay mềm kiên tâm trụ lại, còn nhiều anh chàng sức dài vai rộng thì lại bỏ về quê vì không chịu nổi sự khắc nghiệt của rừng già. “Lúc ấy dường như người ta quên hết mọi thứ, mong muốn được về lại quê hương lớn đến mức lấn át cả tình yêu”- ông Tưởng trầm giọng kể lại. Vả chăng, chuyện lập thân, lập nghiệp ở chốn “khỉ ho cò gáy” này là chuyện nhiều người không dám nghĩ đến. Những mối tình vì thế đến rồi đi chóng vánh, để lại những câu chuyện đầy nước mắt: Có cô suốt mấy ngày không gượng dậy nổi khi hay tin người yêu đã về quê từ hôm trước mà không một lời nhắn gửi; có người muốn có một đứa con để ràng buộc người yêu nhưng lại không được thừa nhận nên đành một mình về quê sinh con...
Những khoảnh rừng toàn con gái. Vì thế, không lạ khi có trường hợp 5 cô của một đơn vị cùng kéo lên gặp Sư đoàn trưởng xin được chuyển vùng để… kiếm chồng. Đến những năm 1984, 1985, nhiều cô lỡ thì không có được một chốn nương tựa đã tìm đường về lại quê nhà. Mỗi người một phận, hàng trăm cô gái như thế đã gửi lại cả tuổi thanh xuân cho mảnh đất này.
2. Con đường đêm hun hút dẫn chúng tôi đến nhà chị Dương Thị Thiều, ở thôn 10, xã Đông. Chị là một trong số những cô gái ngày ấy của Liên hiệp đã chọn Kbang làm nơi dừng chân đến tận bây giờ. Câu nói đầu tiên của chị khi gặp chúng tôi khiến ai cũng nhói lòng: “Đời mỗi con người trong cuộc sống này chỉ như một ngọn cỏ. Mà lại là “Ngọn cỏ gió đùa” (tên một bộ phim Việt Nam-P.V) thì có gì để mà nói?”.
Chị Dương Thị Thiều cùng con trai Dương Hữu Đức. Ảnh: P.D |
Sau khi một số nam giới ít ỏi bỏ trốn về quê thì đại đội của chị còn lại… đúng 40 nữ, đa số quê gốc Hưng Yên. Vì vậy, các chị phải làm hầu hết các công việc, kể cả việc nặng nhọc. Được cái, hồi ấy tuy cơm cũng không đủ ăn, phải độn mì lát, bo bo nhưng ai cũng vô tư, ai cũng tràn ngập sức sống và lý tưởng. Rừng xanh thêm từng ngày. Nhưng con gái có thì, những ngày tháng đẹp đẽ vô tư cứ trôi qua mải miết trong trùng trùng xanh thẳm của rừng. Tình yêu trở thành một thứ tình cảm xa xỉ, ngoài tầm tay với. Một thứ tâm lý không giải tỏa nổi cứ lơ lửng; có chị mắc chứng hysteria, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật, la hét như động kinh. “Nhiều lúc tôi cũng không lý giải được vì sao lứa tuổi ấy, năm ấy hay vùng quê ấy của chúng tôi ai cũng trúc trắc đường tình duyên: Có người không lấy được chồng nên đành ở vậy, có người quyết định “xin” người đàn ông nào đó một đứa con để nương tựa về sau, họa hoằn lắm mới có chị lấy được chồng thì chồng lại mất sớm…”- chị nói, bày ra quanh chúng tôi ngổn ngang những nỗi buồn. Đau đớn hơn khi biết rằng có chị đến 2, 3 đời “chồng” vẫn không “xin” nổi một đứa con, người khác lại bị đánh ghen ầm ĩ đến mức sinh con xong lại phải gửi về quê cho ông bà nuôi giúp... Giở tấm lịch cũ mèm treo trên vách, tôi lặng người khi đọc thấy đằng sau đó mấy câu thơ chị làm trong những lúc đầy thân phận: “Niềm vui chia cả thế gian/Nỗi buồn sao chỉ riêng mang mỗi người?”.
“Thằng con tôi bây giờ cũng là con mượn của người ta đó chứ!”- như đoán ra cái điều chúng tôi còn ngần ngại chưa hỏi, chị nói ngay. Tuy nhiên, đó lại không phải là con chị như nhiều người vẫn nghĩ, mà là con của em gái chị trong một lần lầm lỡ. “Đến năm 3 tuổi, cháu đã biết mình có hai người mẹ”- chị bộc bạch. Thật ra, chị cũng từng có một người để thương để nhớ, nhưng vì nhiều lý do nên đành xa nhau. Đến giờ, Dương Hữu Đức- con trai chị, là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là niềm hạnh phúc và kỳ vọng lớn nhất trong cuộc sống vốn nhiều sóng gió mà chị chưa tiện kể hết; cháu hiện đang học lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp và xa hơn là vào đại học, cao đẳng.
“Chúng tôi là gạo trên sàng còn sót lại đấy”- chị Nguyễn Thị Nhị- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Kbang nói vui, hàm ý nói về những người đã trụ lại được ở đất nghèo Kbang đến giờ. Không dễ để mở lòng với một người xa lạ như tôi, nhưng cuối cùng chị cũng bộc bạch khá nhiều về một quãng đời rất khó quên, với chị. Chị Nhị quê ở Nghệ An, vào đây năm 1982 sau khi lén đi đăng ký và viết đơn tình nguyện; đến trước ngày chị lên đường gia đình mới té ngửa vì quyết định táo bạo này.
Vừa vào đến nơi, thấy bốn bề toàn là rừng, nhiều người cùng chuyến xe với chị đã òa khóc vì viễn cảnh họ được vẽ ra trước đó đẹp đẽ hơn nhiều. Không ít người bỏ trốn, nhưng những ai đã vào đến Lâm trường Trạm Lập (xã Sơn Lang), một trong những lâm trường xa nhất của Liên hiệp, cách trung tâm huyện dằng dặc 60 cây số- thì đều xác định bám trụ. Hồi ấy, Đội Lâm sinh Trạm Lập do chị làm đội phó cũng có chẵn... 40 cô gái với nhiệm vụ phát rừng, dọn vệ sinh rừng. “Đời lâm nghiệp sướng bằng tiên/quanh năm du lịch… chẳng mất tiền”- những câu thơ vui như thế đã giúp cho những ngày vất vả của họ trở nên dễ chịu hơn. Song, sự lạc quan ấy có thể san bằng khó khăn chứ không thể bắt quy luật cuộc sống đi theo chiều ngược lại, không che giấu được nỗi mong chờ sâu xa về tình yêu, về hạnh phúc lứa đôi trong sâu thẳm mỗi tâm hồn trẻ trung nhường ấy. Mà bốn bề xung quanh chỉ có rừng và rừng. Tình yêu ở đâu đó xa, rất xa. Có cái gì đó vô cùng chênh vênh, chống chếnh mà ai cũng cảm nhận được, nhưng không dễ nói ra. Đã có lúc 40 cô phải cử đại diện đến yêu cầu Liên hiệp “cân đối” số lượng nam- nữ trong đội, nhưng “làm sao mà cân đối cho được”- chị Nhị lắc đầu nhớ lại.
Chuyện trò một lúc, dễ nhận thấy chị Nhị là một người phụ nữ mạnh mẽ, từ phong cách đến lời ăn tiếng nói. Hỏi chị sao không kiếm một đứa con như nhiều bạn bè cùng thời cho bớt cô quạnh, chị khoát tay: “Thôi bãi cho rồi, bề mô một bề thôi. Mình chỉ thích một mình đi đóng về mở”. Hay là hoàn cảnh của những người đồng lứa đã khiến chị e ngại? Mãi rồi chị Nhị mới bộc bạch chút niềm riêng mà hẳn là một người cá tính như chị ít khi muốn đề cập đến: “Thấy đời tư của mình hẩm hiu, không ra răng cả nên dồn sức vào công việc, lấy công việc làm vui thôi…”. Chị là một trong số rất ít phụ nữ thời ấy học lên đại học và có công việc ổn định như bây giờ.
Hà Nừng, Sơn Lang, Đak Roong…, những cái tên nghe qua đã thấy vời vợi, thăm thẳm. Ở những nơi xa xôi ấy của Kbang còn biết bao nhiêu cuộc đời ngang trái như thế, bời bời ngổn ngang như thế- chứng nhân cho một thời kỳ gian nan của lịch sử vẫn đang gắn bó với rừng và đất Tây Nguyên.
Phương Duyên