(GLO)- Từ đầu năm đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Kbang tăng đột biến so với mọi năm. Dù đã triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nhưng SXH vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Phun hóa chất để diệt muỗi trong nhà. Ảnh: H.T |
Thống kê từ các ngành chuyên môn của huyện Kbang cho thấy, bệnh SXH đã xuất hiện ở 12/14 xã, thị trấn và 47 địa bàn dân cư với trên 220 người mắc. Trong đó, bệnh tập trung nhiều ở các xã: Đông, Nghĩa An, Sơ Pai và thị trấn Kbang.
Là địa phương đầu tiên của huyện Kbang xuất hiện bệnh SXH, đến nay, xã Nghĩa An đã ghi nhận tổng cộng 85 trường hợp mắc bệnh, tăng đột biến so với mọi năm. Trước tình hình đó, y tế địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để khống chế và khoanh vùng, không cho bệnh bùng phát trên diện rộng. Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Bùi Văn Hiếu cho biết: Trên cơ sở xác định vùng bùng phát bệnh nằm ở trung tâm xã, chúng tôi đã tập trung lực lượng Công an, dân quân, Đoàn thanh niên xã cũng như huy động máy móc, xe cộ để thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh xung quanh khu vực này. Cùng với đó, UBND xã đã chỉ đạo Trạm Y tế xã và Y tế thôn, làng tập trung tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức phòng-chống bệnh SXH; đồng thời đến từng thôn, làng nắm danh sách các gia đình có người mắc SXH và vận động người dân đến các trung tâm y tế để khám-chữa bệnh cho đảm bảo cũng như hướng dẫn họ phát quang bụi rậm, đổ các chum, vại chứa nước, diệt lăng quăng (bọ gậy)… Xã cũng đã xuất kinh phí, cùng với lượng thuốc hỗ trợ của cấp trên, tiến hành phun phòng dịch và khoanh vùng các khu xảy ra dịch.
Sau khi triển khai các biện pháp phòng-chống, mật độ muỗi và lăng quăng ở các địa bàn trọng điểm về SXH đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bệnh SXH tại huyện Kbang vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Bình quân mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận 3-5 bệnh nhân mắc SXH. Tính đến ngày 19-8, có hơn 250 người đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện.
“Thông thường bắt đầu vào mùa mưa (tháng 8 đến tháng 12) thì SXH mới bùng phát. Thế nhưng năm nay, dù vẫn đang là mùa khô nhưng đã có rất đông bệnh nhân (khoảng hơn 40 người-N.V). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu là do vệ sinh môi trường không đảm bảo, xuất phát nhiều từ ý thức của người dân. Do đó, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, đến từng nhà, nhất là những nhà có bệnh nhân SXH để vận động họ vệ sinh môi trường cho sạch sẽ. Tuy nhiên, sự hưởng ứng của người dân chưa triệt để, có nhà chúng tôi đã đến 3 lần vận động xử lý các chỗ nước đọng nhưng họ vẫn không thực hiện, vẫn chừa chỗ cho muỗi có điều kiện sinh sản”-bác sĩ Đậu Đăng Khoa-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kbang, lý giải.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Kbang, hóa chất để phun diệt muỗi tương đối ít và mới chỉ có 20/47 địa bàn dân cư có người mắc SXH được phun xử lý, chủ yếu tập trung những khu vực có dịch SXH bùng phát mạnh. Với lượng hóa chất như vậy chỉ có thể xử lý được những khu vực phát sinh dịch SXH, còn để khoanh vùng, khống chế không cho SXH bùng phát là điều rất khó. Bà Nguyễn Thị Liên-Phó Chủ tịch UBND xã Đông, cho hay: “Xã đã đề nghị với huyện tăng cường thêm thuốc để diệt muỗi trên 11/11 thôn, làng. Tuy nhiên hiện nay, nguồn thuốc không đáp ứng đủ nhu cầu nên xã chỉ phun ở những thôn làng xảy ra bệnh nhiều, còn đối với những thôn làng chỉ có 1, 2 ca bệnh hoặc chưa xuất hiện bệnh thì vẫn chưa được phun phòng bệnh”.
Kbang đang bước vào mùa mưa. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng và phát triển. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, ngành y tế và các địa phương trong huyện đang tăng cường các biện pháp, tập trung cao độ cho công tác phòng-chống bệnh SXH. “Chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình bệnh nhân và tiếp tục tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Bên cạnh vận động người dân hưởng ứng chiến dịch diệt lăng quăng, chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền để người bị SXH đến bệnh viện test bệnh vừa để kịp thời chữa trị, tránh trường hợp biến chứng và tử vong”-bác sĩ Đậu Đăng Khoa nói.
Hồng Thi