(GLO)- Thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các huyện: Kông Chro, Krông Pa và Ia Pa vẫn diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thực tế tình hình đặt ra câu hỏi: Liệu ngành chức năng bất lực?
Rừng liên tục bị mất
Theo tin báo của người dân về việc khai thác gỗ trái phép tại vùng rừng giáp ranh, trong 2 ngày (3 và 4-8), lực lượng chức năng huyện Kông Chro và Ia Pa đã lập đoàn kiểm tra tại tiểu khu 807 thuộc lâm phần do UBND xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) quản lý. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 9 cây dổi, trâm bị lâm tặc cưa hạ với tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 25,5 m3. Lực lượng chức năng xác định lâm tặc đã sử dụng cưa lốc để cưa hạ cây, sau đó cắt thành từng lóng rồi dùng trâu kéo ra bãi tập kết. Tiếp đó, các đối tượng dùng xe máy kéo độ chế vận chuyển gỗ đi nơi khác. Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng 2 huyện phát hiện nhiều hộp gỗ tại tiểu khu 1229 thuộc lâm phần do UBND xã Ia Tul (huyện Ia Pa) quản lý. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện dấu vết bãi tập kết gỗ nằm trên con đường vận chuyển gỗ từ rừng về nằm trong vùng rừng giáp ranh giữa 2 huyện.
Một cây gỗ lớn tại khu rừng do UBND xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) quản lý bị lâm tặc cưa hạ, xẻ thành hộp chờ kéo ra ngoài. Ảnh: C.H |
Tại huyện Krông Pa, thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng diễn ra khá phức tạp. Tháng 8 vừa qua, sau khi nhận tin báo của người dân, UBND huyện Krông Pa đã tổ chức lực lượng tiến hành kiểm tra tại khu vực lô 2, khoảnh 7, tiểu khu 1410 do UBND xã Ia Rmok quản lý. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 33 cây trai (thuộc nhóm 3) bị lâm tặc cưa hạ, dấu vết vẫn còn mới; khối lượng gỗ thiệt hại đo đếm được tại hiện trường hơn 5,6 m3. Ngoài ra, trong đêm 20 và 21-8, khi tuần tra kiểm soát tại địa bàn xã Ia Rmok, lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô loại 12 chỗ BKS 78B-0900 đang chở hơn 2,6 m3 gỗ trái phép và 8 xe máy độ chế chở hơn 2,4 m3 gỗ trái phép...
Mới đây nhất, sau khi nhận được tin báo của người dân về vụ vận chuyển lâm sản trái phép từ xã Chơ Long (huyện Kông Chro) về xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), tổ công tác của Công an huyện Kông Chro đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại khu vực lán trại của đối tượng tên Chúc thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa quản lý (thuộc địa giới hành chính xã Pờ Tó) có 1 xe độ chế, trên xe đang chất 32 lóng, hộp gỗ gáo, cà chít, bằng lăng với khối lượng hơn 2,6 m3. Tại thời điểm kiểm tra, trong lán trại có Chúc và 1 đối tượng khác. Nhưng sau đó, cả 2 đối tượng đều rời khỏi hiện trường.
Mở rộng hiện trường kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện dưới gầm lán trại và khu vực cách đó 50 m còn có 1 điểm tập kết 155 lóng, hộp gỗ với tổng khối lượng hơn 20,3 m3. Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại lô 9, khoảnh 7, tiểu khu 778 lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa (thuộc địa giới hành chính xã Chơ Long) có 86 cây gỗ cẩm lai, lim xẹt, gáo vàng, gõ mật, chiêu liêu đen bị cưa hạ trái phép, khối lượng gỗ thiệt hại hơn 12,7 m3. Trong đó, khối lượng gỗ còn tại hiện trường hơn 5,5 m3. Ngoài 86 cây gỗ này, đoàn kiểm tra liên ngành do đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm trưởng đoàn còn phát hiện thêm 115 cây gỗ bị cưa hạ trái phép với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 12,8 m3 và 0,6 ster củi. Sau đó, đoàn liên ngành tiếp tục phát hiện thêm 8 cây gỗ cà chít, gõ, sến mủ, căm xe bị cưa hạ trái phép tại lô 1 và lô 3, khoảnh 2, tiểu khu 1146 lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa quản lý; tổng khối lượng gỗ thiệt hại là hơn 0,6 m3 và 0,06 ster củi.
Lâm tặc dùng xe độ chế vận chuyển gỗ trái phép tại địa bàn xã Ia Rmok, huyện Krông Pa. Ảnh: C.H |
Công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó
Dẫn chúng tôi đến hiện trường vụ phá rừng tại xã Chơ Long, ông Trần Quang Việt-Tổ trưởng Chốt cửa rừng xã Chơ Long (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa) cho biết: Tại chốt có 7 người thường xuyên túc trực, tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do địa bàn hiểm trở, lại là vùng giáp ranh với huyện Ia Pa, đất canh tác của người dân nằm xen lẫn với rừng nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Rừng ở đây chủ yếu là rừng khộp nghèo kiệt, giá trị lâm sản thấp. Các đối tượng thường chọn các cây gỗ lớn và lợi dụng đêm tối để cưa hạ nên việc phát hiện, ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Ngọc Anh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa-thông tin: Công ty đang quản lý 13.900 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 12.400 ha là rừng tự nhiên. Ở ven rừng và trong rừng có 12 thôn, làng với rất đông người dân sinh sống nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, áp lực. Nhu cầu về chất đốt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân xâm hại tài nguyên rừng. Lán trại của đối tượng Chúc được xây dựng đã lâu, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ. Đầu năm 2019, lực lượng chức năng của 2 huyện Kông Chro và Ia Pa đã tiến hành lập biên bản vi phạm và thu giữ gần 8 m3 gỗ tại khu vực này. Bản thân đối tượng Chúc cư trú tại huyện Ia Pa và nghiện ma túy nên lực lượng bảo vệ rừng cũng có phần e dè. “Ngay cả khi lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và tiến hành thu gom gỗ vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định thì đối tượng tên Đạt (thuộc nhóm của Chúc) lại đứng ra ngăn cản. Đây là đối tượng từng có tiền án liên quan đến khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép”-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa cho biết.
Phương tiện vi phạm và gỗ tang vật tại khu vực lán trại của đối tượng Chúc được đưa về UBND xã Chơ Long (huyện Kông Chro). Ảnh: C.H |
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện khẩn trương điều tra, xử lý vụ phá rừng giáp ranh tại xã Chơ Long. Ai vi phạm tới đâu thì sẽ xử lý tới đó. Với số lượng cỡ đấy, chặt phá cỡ đấy tại sao lại không phát hiện ra? Huyện cũng đặt dấu hỏi như thế, còn thực hư thế nào thì phải đợi các ngành chức năng điều tra, xác minh lại. |
Về hướng xử lý đối với vụ hơn 200 cây gỗ bị cưa hạ trái phép mà Công an huyện Kông Chro và đoàn liên ngành đã phát hiện, ông Trần Ngọc Anh thông tin thêm: Công ty sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Các vi phạm sẽ được xử lý nghiêm; cán bộ Công ty quản lý địa bàn không tốt, vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Giải pháp sắp tới là tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương vùng giáp ranh để tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại tài nguyên rừng; kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là nâng cao thu nhập và tạo sinh kế cho người dân sống ven rừng để họ không phụ thuộc vào tài nguyên rừng nữa.
Ông Hà Quang Tuyến-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa-cho biết: Khu vực rừng giáp ranh với huyện Kông Chro thuộc xã Ia Tul quản lý có diện tích rất lớn (hơn 22.000 ha). Trong khi đó, lực lượng của xã làm công tác quản lý, bảo vệ rừng chủ yếu kiêm nhiệm và ít người nên việc quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn. Huyện đã lập chốt tại buôn Tơ Khế (xã Ia Tul) để kiểm tra, kiểm soát lâm sản nhưng vì kinh phí hạn chế nên các lực lượng không thường xuyên túc trực. Cũng theo ông Tuyến, UBND huyện Ia Pa vừa có văn bản yêu cầu xã Pờ Tó và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa tiến hành tháo dỡ lán trại của đối tượng Chúc (hiện đã hoàn thành việc tháo dỡ); chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Công an huyện Kông Chro điều tra xử lý vụ tàng trữ gỗ trái phép tại lán trại của đối tượng Chúc. Đồng thời, huyện sẽ tổ chức lực lượng phối hợp với cơ quan chức năng huyện Kông Chro tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này.
Còn theo ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa: Thời gian qua, các ngành chức năng của huyện đã tăng cường tuần tra, truy quét để ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với lực lượng Kiểm lâm các huyện giáp ranh của tỉnh Phú Yên, Đak Lak để kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhờ đó, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn từng bước được hạn chế. Tuy nhiên, do lực lượng các ban quản lý trên địa bàn khá mỏng, trang-thiết bị, công cụ hỗ trợ còn hạn chế, trong khi diện tích rừng được giao quản lý khá lớn nên đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Ba quản lý khoảng 22.000 ha rừng, được giao biên chế theo định mức là 31 người. Tuy nhiên, hiện nay, Ban chỉ có 21 người (kể cả hợp đồng) mà địa bàn quản lý thì trải dài hàng trăm cây số nên nhiều vụ việc nhận được thông tin nhưng khi tổ chức lực lượng đến nơi thì các đối tượng đã tẩu tán hết tang vật. Ngoài ra, diện tích rừng do UBND các xã quản lý cũng rất lớn (khoảng 47.000 ha) nhưng nguồn lực thì rất hạn chế, phần lớn lực lượng bảo vệ rừng cấp xã hoạt động kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nên khó khăn trong hoạt động...
CHÍ HÀO-QUANG TẤN