Sáng 23-11, Bệnh viện Bạch Mai đã khai trương và đưa vào hoạt động hệ thống O-arm - một trong những hệ thống công nghệ chẩn đoán và điều trị cột sống hiện đại trên thế giới hiện nay.
Phẫu thuật bằng hệ thống O-arm sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân bị bệnh lý cột sống. |
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, sau 30 ca phẫu thuật ứng dụng công nghệ mới này, Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng Quốc gia theo quy định để cùng xem xét và nghiệm thu kết quả ứng dụng công nghệ mới trên. Sau đó chính thức đưa vào áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo ông Khuê, khi Bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật mới sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện và trợ giúp cho công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy về y khoa.
Trong vài thập kỷ qua, các ca phẫu thuật thành công liên quan đến cột sống tăng lên đáng kể nhờ sự phát triển của công nghệ chẩn đoán và điều trị cột sống.
Sự ra đời của hệ thống O-arm và hệ thống dẫn đường không gian 3 chiều định vị chính xác trong phẫu thuật (Navigation) được coi là cuộc cách mạng trong phẫu thuật cột sống, mang lại niềm tin, sự an toàn và sức khỏe cho bệnh nhân.
Tiến sỹ Hoàng Gia Du - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, với ưu thế của hệ thống O-arm và định vị trong phẫu thuật (Navigation) sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân bị bệnh lý cột sống ở Việt Nam.
Hệ thống chụp O-arm ra đời dựa trên công nghệ tấm cảm biến X-quang phẳng, trạng thái rắn. O-arm cung cấp hình ảnh không gian 3D với độ phân giải cao, toàn diện hơn, chính xác hơn và tăng cường độ chính xác và an toàn cho các bác sỹ phẫu thuật. Với cánh tay linh động có thể mở ra và tự động đồng bộ hóa với hệ thông định vị trong phẫu thuật (Navigation), O-arm đã thay đổi mô hình cho phẫu thuật cột sống.
Công nghệ này đã được chứng minh với các ưu thế như: Tăng độ chính xác của vị trí bắt vít cột sống, làm giảm tỷ lệ phẫu thuật lại do bắt sai vị trí; giảm các biến chứng phẫu thuật; giảm tiếp xúc với bức xạ cho bệnh nhân, phẫu thuật viên và nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, công nghệ trên giúp cho bác sỹ phẫu thuật áp dụng các kỹ thuật ít xâm lấn làm giảm tổn thương mô, giảm sử dụng của thuốc và đau hậu phẫu, rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân.
Theo TTXVN