Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Khẩn trương dập dịch bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 5-7, Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam xác nhận: Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân Vung (SN 2016, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) xác định dương tính với bệnh bạch hầu đã tử vong vào sáng cùng ngày. Đây là ca bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong năm 2020.
Khẩn trương dập dịch
Trước đó, ngày 28-6, sau khi cùng mẹ đến tỉnh Kon Tum thăm người thân, bệnh nhân Vung có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, gia đình tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Ngày 3-7, bệnh nhi đến khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, được chẩn đoán áp xe amidan thành họng. 
Cùng ngày, bệnh nhi được chuyển tuyến, tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh trong tình trạng viêm họng, amidan, thanh quản giả mạc, viêm phổi. Bệnh viện đã tích cực cứu chữa nhưng bệnh trạng chuyển biến xấu và đến sáng 5-7 thì bệnh nhi tử vong.
Ngành Y tế tổ chức khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho người dân làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) trong chiều 4-7. Ảnh: N.N
Ngành Y tế tổ chức khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho người dân làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) trong chiều 4-7. Ảnh: N.N
Sau khi nhận được thông tin về ca bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh đã báo cáo nhanh tình hình cho UBND tỉnh, đồng thời khẩn cấp cách ly, khử khuẩn cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế theo quy định; rà soát các trường hợp tiếp xúc gần để phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi và điều trị dự phòng. 
Ngoài ra, ngay trong ngày 4-7, ngành Y tế tổ chức phun hóa chất Cloramin B 0,5% khử khuẩn; khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho toàn bộ người dân làng Bông Hiot, tiến tới mở rộng áp dụng đối với tất cả người dân xã Hải Yang. Bên cạnh đó, tiếp tục điều tra và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện thực hiện biện pháp phòng-chống dịch, khoanh vùng dập dịch; phối hợp điều tra đối tượng chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng để lập kế hoạch tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Ông Thưh-Trưởng thôn Bông Hiot-chia sẻ: Làng có 293 hộ với 1.186 khẩu. Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai báo nhằm phát hiện sớm để cách ly, điều trị kịp thời, không để bệnh bạch hầu lây lan trên diện rộng. 
“Sau khi nắm thông tin có ca bệnh bạch hầu trên địa bàn, tôi đã tuyên truyền, vận động người dân tập trung đông đủ để cán bộ y tế khám sàng lọc và uống thuốc dự phòng. Tôi cũng nhắc nhở mọi người làm theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế, bình tĩnh, không hoang mang”-ông Thưh nói. 
Ngoài ra, để kiểm soát dịch bệnh, UBND xã Hải Yang cũng sẽ lập chốt kiểm soát khu vực làng Bông Hiot. 
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua đường hô hấp. Đặc trưng của bệnh là gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc đường hô hấp; gây ra biến chứng toàn thân, đặc biệt là biến chứng tim mạch, thần kinh, gây tử vong cao. Do vậy, bệnh nhân cần được phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời. Đồng thời ngành y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiêm phòng, tạo miễn dịch chủ động đề phòng bệnh.
Ông Đinh Hà Nam nhấn mạnh: “Ngay khi nắm bắt thông tin về trường hợp mắc bệnh bạch hầu vào điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa lập tức khoanh vùng tại khu vực nhà của bệnh nhân để phun khử trùng tiêu độc; khám sàng lọc và cấp thuốc uống dự phòng cho người dân. Đến sáng 4-7, chúng tôi đã lấy 26 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh chuyển Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Kết quả, có 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu. Trong số này có cha, mẹ của bệnh nhi; các ca còn lại là họ hàng, người quen trong làng Bông Hiot. Ngày 5-7, ngành Y tế tỉnh cùng với đoàn cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục khảo sát và triển khai các biện pháp tiếp theo; trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các lứa tuổi”. 
Nhân viên y tế phun hóa chất Cloramin B 0,5% khử khuẩn môi trường phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tại làng Bông Hiot. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế phun hóa chất Cloramin B 0,5% khử khuẩn môi trường phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tại làng Bông Hiot. Ảnh: Như Nguyện
Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết: Với lứa tuổi trên 6, Sở đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ tiêm ngừa; riêng trẻ em dưới 6 tuổi thì ngành Y tế sẽ tổ chức điều tra xem trẻ đã tiêm đủ liều bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng hay chưa để lên kế hoạch tiêm bổ sung cho trẻ. 
Theo ông Nam, những trường hợp mắc bệnh bạch hầu thường là do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều. “Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, đồng thời rà soát, triển khai tiêm vét đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%. Đối với trẻ em, chỉ cần tiêm vắc xin 5 trong 1; đối với người lớn cũng cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh để tạo miễn dịch. Ngoài ra, khi có các triệu chứng như: sốt, ho, rát họng, khàn tiếng…, người dân cần đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng”-ông Nam khuyến cáo.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm