Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Khẩn trương hoàn thiện thể chế liên kết vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 57/NQ-CP của Chính phủ. Mục tiêu mà tỉnh hướng đến là nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội vùng bền vững.   

Nhiều tồn tại cần khắc phục

Ngày 21-4-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội. Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn đang còn một số tồn tại như: Chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm đi vào thực thi; các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất; các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị; các địa phương chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương trong vùng; chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành; các nội dung liên kết vùng quan trọng (như liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch; liên kết đầu tư phát triển; liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng...) chưa được triển khai một cách đầy đủ.

 Đại diện 5 thành phố: Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Pleiku (tỉnh Gia Lai), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) và Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông) ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch năm 2022. Ảnh: Đức Thụy
Đại diện 5 thành phố: Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Pleiku (tỉnh Gia Lai), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) và Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông) ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch năm 2022. Ảnh: Đức Thụy


Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động và nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng vì sự phát triển chung của đất nước và của vùng; đồng thời, quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội. Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương việc hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch các vùng kinh tế-xã hội trong quý IV-2022.

Chủ động hoàn thiện thể chế liên kết vùng

Ngày 13-7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đã ký Công văn số 1509/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các địa phương thuộc tỉnh khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 57/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Để triển khai nhiệm vụ này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các địa phương trong vùng. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.

 Việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng tạo động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ảnh: Đức Thụy
Việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng tạo động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ảnh: Hà Duy


“Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2022 theo đúng quy trình, quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Sở cũng đang tích cực rà soát, tổng hợp kiến nghị danh mục chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng tích cực vận động các đối tác phát triển và các nhà tài trợ xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu...”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm.

Liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải-cho hay: Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo liên kết vùng; đề xuất đầu tư xây dựng các dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng, như: cao tốc Pleiku-Quy Nhơn đầu tư xây dựng trước năm 2030; tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) và Ea Hleo (Đak Lak).  

Cũng liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh chỉ đạo một số sở, ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của ngành, của tỉnh nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là các khu vực gây bức xúc cho người dân. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, dự báo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; định hướng về việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh nói riêng và liên kết vùng nói chung; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu với các vùng...

Việc rà soát các quy hoạch liên quan để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng và Luật Quy hoạch năm 2017 là một trong những yêu cầu quan trọng của UBND tỉnh đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực (nguồn vốn trung ương và địa phương, nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá, tạo ra liên kết vùng; tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai đồng thời xây dựng quy hoạch để kết nối đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

 

HÀ DUY
 

 

Có thể bạn quan tâm