(GLO)- Cùng với các tỉnh trong khu vực, Gia Lai bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Sau khi mưa bão đi qua, chính quyền các địa phương đang cùng với người dân khẩn trương khắc phục hậu quả.
Xơ xác sau bão
Huyện Kông Chro chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Kông Chro, tính đến chiều 5-11, ước thiệt hại trên địa bàn là 620 triệu đồng. Toàn huyện có 56 ngôi nhà bị sập hoặc tốc mái; nhiều diện tích mía, lúa, mì bị ngã đổ.
Lực lượng vũ trang giúp gia đình ông Đinh Rôih (xã Tú An, thị xã An Khê) thu dọn đống đổ nát sau mưa bão. Ảnh: N.T |
Đak Song là xã chịu thiệt hại nặng nề nhất với 21 ngôi nhà và 2 trường học bị tốc mái hoặc bị sập. Hàng chục ha mía, bắp bị gió thổi ngã rạp xuống đất. Tại làng H’Ôn, 3 ngôi nhà của người dân bị đổ hoàn toàn, 1 phòng học bị tốc mái. Ông Đinh Bia (làng H’Ôn) cho biết: “Khoảng 3 giờ sáng 4-11, gió thổi mạnh, nhà sàn nghiêng ngả theo gió nên cả gia đình tôi qua nhà hàng xóm để trú tạm. Mới qua đến nơi bỗng nghe một tiếng động lớn, tôi nhìn lại thì thấy nhà bị đổ sập. Gia đình đã nghèo lại bị bão làm sập nhà, giờ không biết mượn tiền đâu để làm nhà mới”.
Tại thị xã An Khê, bão số 12 cũng gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. 16 ngôi nhà của người dân ở phường An Bình, An Phú và xã Tú An bị tốc mái. Đường Phan Đình Giót (phường An Bình) bị sạt lở 200 m. Hơn 10 ha hoa màu của người dân phường An Bình bị ngã đổ trên 70%. Hàng trăm ha mía, lúa chuẩn bị tới kỳ thu hoạch cũng đổ rạp sau bão. Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Đỗ Xuân Hoan (thôn Tú Thủy 1, xã Tú An) buồn bã nói: “Nhà tôi trồng 5 ha mía. Năm trước, tôi thu được 500 tấn mía, trị giá 300 triệu đồng. Năm nay, mía ngã đổ nhiều do gió bão, ước chỉ còn khoảng 85 tấn/ha”.
Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, tổng thiệt hại do cơn bão số 12 gây trên địa bàn huyện lên tới 33,5 tỷ đồng. Về nông nghiệp, mưa bão gây thiệt hại 40 ha lúa, 550 ha hoa màu và 400 ha cây lâu năm. Có 7 ngôi nhà, 2 phòng học bị tốc mái và bị sập, thiệt hại ước tính khoảng 350 triệu đồng. Ngoài ra, mưa bão cũng làm cho 2,5 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Đập tràn đi làng Đak Ya (xã Ya Hội) bị hư hỏng nặng.
Tính đến ngày 6-11, huyện Kbang có 2 nhà dân bị sập, 7 nhà tốc mái; 5.000 ha mía, 120 ha lúa nước, trên 40 ha cây rau màu bị đổ ngã, vùi lấp; 4 con bò bị chết. Trên địa bàn có 3 điểm sạt lở đất, gây ắch tắc giao thông. Sáng 4-11, Trường THCS Sơ Pai (xã Sơ Pai) phải nghỉ học do nước dâng cao.
Xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) giáp với tỉnh Phú Yên nên chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 12. Trên địa bàn xã có 3 nhà dân bị sập và tốc mái hoàn toàn, 21 nhà tốc mái một phần và nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa, do ảnh hưởng của bão số 12, toàn huyện có 3 nhà dân bị sập và tốc mái hoàn toàn, 28 nhà tốc mái một phần và Nhà Văn hóa buôn Ma Jai (xã Đất Bằng) bị tốc mái với diện tích 102 m2. Mưa lớn cũng đã làm ngập úng, gãy đổ 111 ha lúa, 439 ha mì, 85 ha bắp, 576 ha mía, 8 ha điều trên địa bàn huyện và làm 63 con gia súc bị cuốn trôi, chết. Ngoài ra, một số cây lâm nghiệp, cây bóng mát bên đường giao thông, cây ăn quả bị đổ gãy. Mưa bão cũng đã gây xói lở các tuyến đường liên thôn của các xã: Chư Drăng, Ia Rsai, Đất Bằng, Ia Mlah với tổng khối lượng 2.500 m3; cuốn trôi 2 vị trí cống và mặt đường bê tông xi măng.
Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả
Người dân huyện Kbang tập trung khôi phục sản xuất. Ảnh: Hồng Hạnh |
Ngày 5-11, chính quyền các địa phương đã khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 12. Tại thị xã An Khê, ông Nguyễn Kim Quang-Phó Chủ tịch UBND thị xã cùng các ban, ngành tiến hành kiểm tra và đôn đốc việc khắc phục hậu quả do bão số 12 trên địa bàn. Theo ông Quang, sau khi bão đi qua, UBND thị xã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức xử lý hệ thống kênh mương thoát nước tránh gây tắc nghẽn. Lãnh đạo thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương hỗ trợ người dân khôi phục diện tích hoa màu bị dập nát và sửa chữa những ngôi nhà bị tốc mái. “Theo dự báo, khu vực thị xã sẽ còn mưa đến ngày 8-11. Vì vậy, UBND thị xã đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể tăng cường lực lượng túc trực ở các vị trí xung yếu, liên tục báo cáo tình hình để có biện pháp ứng phó. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Nhà máy Đường An Khê ưu tiên thu mua những diện tích mía bị ngã đổ cho người dân”-ông Quang cho biết.
Tương tự, huyện Kông Chro cũng thành lập 2 đoàn công tác kiểm tra tình hình thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Ngay sau khi cơn bão đi qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, trong đó tập trung hỗ trợ các hộ dân có nhà bị sập hoặc tốc mái. Tới đây, UBND huyện sẽ tổ chức họp để bàn bạc và có phương án hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão”.
Sau khi bão tan, lãnh đạo huyện Krông Pa đã chỉ đạo các xã phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và các ban, ngành, đoàn thể nhanh chóng giúp dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, khẩn trương khắc phục các tuyến đường bị sạt lở, tiến hành cắt tỉa cành cây gãy đổ để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Thiếu tá Nguyễn Tiến Vũ-Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Pa, cho biết: “Thực hiện chủ trương của cấp trên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã phối hợp với lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên và các lực lượng khác của địa phương tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra. Xã Đất Bằng bị thiệt hại nặng nhất nên chúng tôi góp sức trên tinh thần giúp dân càng sớm càng tốt. Những nhà nào bị thiệt hại nặng thì tổ chức khắc phục trước để đảm bảo chỗ ở cho bà con rồi mới đến những hộ khác”.
Trong ngày 5-11, huyện Krông Pa đã huy động 75 người, gồm cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, dân quân các xã: Đất Bằng, Ia Mlah, Chư Gu và thị trấn Phú Túc cùng cán bộ Huyện Đoàn giúp dân sửa chữa lại nhà tại các địa phương này. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã xuất ngân sách 68 triệu đồng hỗ trợ người dân nhằm khắc phục thiệt hại về nhà ở.
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công điện số 16/CĐ-UBND chỉ đạo khẩn trương khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố tập trung giúp dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng; hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ khó khăn bị thiệt hại do thiên tai; tiêu độc, khử trùng ở những nơi cần thiết; chủ động xuất ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục huy động lực lượng vũ trang giúp dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng… |
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Đối với những thiệt hại về nhà cửa, UBND huyện yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự huyện huy động lực lượng dân quân, công an viên giúp hộ dân bị tốc mái sửa nhà cửa, sớm ổn định đời sống. Đối với diện tích lúa đã chín, khi nước rút, yêu cầu bà con nông dân tổ chức thu hoạch nhanh gọn. Bên cạnh đó, UBND huyện đã đề nghị Chi nhánh Công ty cổ phần FOCOCEV Việt Nam-Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai tăng cường thu mua mì cho bà con, ưu tiên cân nhập kho trước cho những hộ dân trồng mì bị ngập để giảm thiệt hại. Đối với diện tích mía bị ngã đổ, huyện đề nghị Công ty TNHH Thương mại-Chế biến Nông sản Đường Vạn Phát và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai phối hợp với các xã, thị trấn nơi có đầu tư kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục sản xuất.
Nhóm phóng viên