(GLO)- Loãng đi trong dòng nghĩ, nguội đi trong cảm xúc là trạng thái mà chắc hẳn không ít nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... đã vấp phải. Vậy họ đã làm gì để vượt qua trạng thái hết sức khó chịu này?
Làm báo, viết văn, làm thơ, soạn nhạc... những ai làm công việc mang tính sáng tạo ấy đều sợ nhất chuyện bế tắc đề tài, nguội cảm xúc. Lạ lắm! Thấy, nghĩ và viết, quy trình khá đơn giản của một người làm công việc sáng tác tưởng cứ thế mà làm khi cuộc sống trước mắt có hàng trăm, hàng ngàn sự việc, câu chuyện chờ được nắm bắt lại để sắp xếp, ghi chép thành tác phẩm. Nhưng mọi sự không đơn giản vậy bởi sự sáng tạo luôn đòi hỏi cảm hứng đi kèm. Nhờ có cảm hứng, đôi khi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cũng đủ để cho ra đời một tác phẩm đắc ý. Tuy vậy, có những trường hợp rất lạ, tận mắt chứng kiến sự kiện, tận tai nghe kể cũng không tài nào lưu loát trong nhịp gõ phím được.
Ảnh minh họa. |
Một tác giả đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc Phố núi với nhiều đầu sách được phát hành-nhà thơ Ngô Thanh Vân-chia sẻ: “Ngồi trước máy tính mà bí đề tài là một cảm giác trống rỗng, nghĩ kiểu gì cũng không thông. Viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết, vì khi viết xong đọc lại sẽ thấy nó rất “sượng”. Làm thơ, viết văn mà không có cảm xúc thì con chữ trở nên vô hồn”. Và cách của Ngô Thanh Vân là “Tắt máy tính, đi ra ngoài thanh lọc suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục. Lúc đó viết được là hiếm, đa phần là tắt máy lần nữa và... đi ngủ”. Vân còn có một cách rất tích cực để nuôi lại cảm xúc là tìm sự lan tỏa, cộng hưởng của các tác giả khác, viết truyện thì đọc truyện, làm thơ thì ngẫm thơ. Là người sáng tác văn học chuyên nghiệp nên Ngô Thanh Vân rất sợ chuyện bí đề tài làm khó mình. “Có những giai đoạn bí quá thì tôi cứ ngồi viết bâng quơ, nghĩ gì viết nấy, viết rồi lưu lại đó. Như thế để thói quen viết lách của mình không bị ngắt quãng. Vì nếu lâu không viết thì khi ngồi viết lại sẽ rất khó và đó thực sự là... thảm họa”-Vân chia sẻ.
Nhà thơ-nhà báo Văn Công Hùng, người đã trào lộng tự nhận mình là “phu chữ”, lại đi nhiều, dư thừa trải nghiệm, viết đa dạng các thể loại, cộng tác với nhiều báo, tạp chí trong cả nước, tưởng khó bị chuyện bí đề tài quấy quả, nhưng theo lời anh thì “vẫn bí, luôn bí vì lượng bài đặt hàng quá nhiều...”. Nhờ đến sự gợi ý đề tài của biên tập viên các nơi anh cộng tác là cách giải quyết nhanh nhất. Với anh, trong trường hợp này xem như “bài viết đã hoàn thành đến 80%”. Văn Công Hùng sợ nhất khi đang bí mà nhận được câu “gợi ý”: “Anh muốn viết gì thì viết”. Theo anh, cách khắc phục căn bệnh này là hãy đi nhiều và siêng suy nghĩ.
Nguyễn Hậu-một nhạc sĩ được nhiều người biết tiếng ở Pleiku, tác giả của hàng trăm ca khúc-cũng có những chia sẻ thú vị về việc này. Rất đam mê âm nhạc, cảm hứng sáng tác khiến anh có thể hoàn thành 5, 6 ca khúc trong vòng một tuần, nhưng có khi bẵng đi vài tháng không thấy trình làng tác phẩm nào, ấy là cũng do con vi rút “bí đề tài”, “nguội cảm xúc”. Nguyễn Hậu bảo, khi đã bắt được điều tâm đắc rồi thì có khi thức trắng đêm mà viết. Muốn sáng tác nhiều, nhưng bí đề tài vẫn là cản trở lớn đối với anh. Có lúc xong phần nhạc khá vừa ý rồi thì lại không viết được ca từ như mong muốn. Để “ý thơ vừa ý nhạc” thật không dễ chút nào!
Với những người làm công việc sáng tạo, chuyện bí đề tài sáng tác được xem như là một vấn nạn. Nó cản trở đam mê, nó làm giảm hưng phấn. Cái tính chất bất chợt của nó mới thật đáng ngại: đến không báo trước, không triệu chứng ban đầu. Nửa đêm bỗng tung chăn bật dậy, mở máy tính... rồi trầm đi, không viết được gì, cái sự chỉ có cảm hứng mà chẳng có đề tài hoặc có đề tài mà sút giảm cảm hứng là trạng thái rất khó chịu cho bất cứ người làm công việc sáng tác nào. Nói vui một chút, nó cũng là nguyên nhân làm giảm sút… thu nhập dưới mọi hình thức, chẳng may trở thành “nan y” thì chỉ còn nước bỏ nghiệp. Quanh chuyện bí đề tài, có lẽ ý kiến của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai-là một câu kết xác đáng: Tùy lúc này lúc nọ, sự hụt hẫng cảm xúc mới là nguyên nhân thực sự chứ đề tài không hề thiếu. “Đề tài sáng tác trên mọi lĩnh vực nghệ thuật là vô tận. “Bí” ở đây thực ra là do thiếu cảm xúc mà thôi. Vì vậy, hãy nuôi cảm xúc để nhìn ra đề tài quanh ta”-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đúc kết.
Nguyễn Sơn