Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Khoảng lặng bình yên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hàng ngày, cửa sổ phòng tôi vẫn mở về phía núi. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ, chỉ cần phóng tầm mắt ra xa, nhấp một ngụm trà là đã có thể tự hào với bạn bè rằng mình thuộc về núi rừng và phố núi luôn là “background” phía sau cuộc đời mình.

Nhưng rồi, mọi chuyện đã khác khi sớm nay, tôi theo anh em về với núi. Đầu tiên, tôi cảm nhận được sự phản ứng gay gắt của bắp chân. Hình như lâu quá, bàn chân không được đạp lên đá sỏi, không phải sải bước thật xa, thật nhanh nên nó cứ ì ra như một người say ngủ. Thì ra sự lười nhác lâu nay đã thấm vào đường gân, thớ thịt.

Hình như sự nặng nhọc còn đến từ lý do đây không phải vùng đất lạ với chính mình. Lên được mấy bậc đá, chợt thấy trời rộng lớn ngay tầm mắt. Rừng xanh quá. Sắc xanh da diết ấy chỉ có thời gian mới tạo ra được. Từ cái cây tầm gửi cả đời bám víu trên thân già xù xì cho đến lộc nõn đầu cành, từ cỏ dưới chân đến ánh mặt trời soi qua thùy lá xanh tươi một màu. Sắc xanh như một câu hỏi thôi thúc: Anh sẽ sống như thế nào nếu không có thiên nhiên?

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Bao năm qua, núi đồi, cỏ cây đã âm thầm tạo ra một thứ oxy khác để gửi cho bản thân mình. Nó không chỉ nuôi buồng phổi của ta mà còn xoa dịu những bực bội, căng thẳng trên đường đời. Về với rừng núi, nhìn sâu vào cây lá, chỉ thấy yêu thương và tha thứ. Nó như một thứ thần dược màu nhiệm cho tâm hồn.

Anh bạn đi cùng sau một hồi lắng tai nghe thì nói với tôi: “Hình như còn suối”. Thì suối vẫn đó, nước lặng và trong. Mùa này, suối đẹp như thơ, bài thơ cất lên bằng sự trong trẻo và diệu kỳ của đại ngàn. Những tảng đá đã có mặt từ bao đời, một sự “décor” ngẫu hứng khiến dòng chảy theo quy luật của sự hài hòa để biết bao loài chim, loài thú đã sinh sôi từ nguồn nước này. Rừng trưa thưa vắng. Tiếng hót trong trẻo của một con chim nào đấy gợi một khoảng rừng xanh ở đâu đó trong tâm trí là nơi đây, một dòng suối bình thản, chậm rãi giữa dòng đời hối hả. Hình như chúng ta bấy lâu vẫn bị thúc bách bởi dòng chảy gấp gáp của áp suất từ các thiết bị cấp nước, từ sự tít tắp, xa ngái lo âu của những cung đường dài mà quên đi sự chậm rãi, thong thả của người leo núi, sự lững lờ của suối nguồn. Không biết cuộc đời còn dành cho ta bao điều bất ngờ như thế nữa!

Trước mắt tôi là những bậc đá. Người đi trước đã lựa chọn nơi đặt bàn chân, sự mòn vẹt của những điểm tựa thành sự mách bảo với người đi sau chứ đâu chỉ đều đặn như nhịp cầu thang nơi thành phố. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được tận hưởng cảm giác lo âu khi run chân và chới với tìm hướng đi. Hóa ra, xa rừng núi lâu quá, bỗng thấy mình lạ. Hóa ra, sự xa lạ của một người bận rộn mới là niềm hoang vắng, lạ lẫm nhất chứ đâu phải núi rừng.

Tôi đã tìm được một miền xa vắng mà gần gũi cho mình. Chẳng xa xôi nhưng đầy bất ngờ, không hiểm trở mà đầy thách thức sự cảm nhận của mình. Hoa pơ lang nở đỏ rừng như mời gọi ta lên với nơi đất trời giao hòa, lòng người vượt thoát qua những toan tính lợi danh mà tìm thấy thanh thản cho mình.

Đường xuống núi thật đẹp, cái đẹp khi lòng ta đã đạt đến cảnh giới của sự say mê. Những người bạn ở thành phố tấm tắc khen, hoài mong có dịp trở lại. Còn gì hạnh phúc hơn khi chúng ta được trở về nơi mà mấy thập kỷ trước chính cha mẹ ta từng phát đường, mở lối, tìm thấy đất giữa gai góc để gieo trồng hạt giống tạo dựng cơ nghiệp. Ở đâu cũng thế, luôn có miền ký ức đầy ắp những yêu thương của thiên nhiên.

Chẳng biết mai sau, những tiếng chim rừng, những dây leo, tán lá có còn đọng lại để các thế hệ tiếp nối được cảm nhận hay sẽ khuất dần vào kỷ niệm. Chỉ biết rằng ngay lúc này đây, trong từng phút giây đặt bàn chân lên đá, đi dưới màu xanh nguyên sơ, tôi đã cảm nhận thật sâu sự nhẹ nhàng, sâu lắng của cuộc sống. Lại nghĩ, cuộc đời dù thế nào thì vẫn luôn có một khoảng xanh đợi tôi về để tắm gội lại tâm hồn sau bao nhiêu bụi bặm, lam lũ.

Có thể bạn quan tâm