Kinh tế

Nông nghiệp

Khôi phục cà phê, hồ tiêu sau hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đợt hạn hán vụ Đông Xuân 2015-2016 đã làm hơn 12.600 ha cà phê và hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giảm năng suất và mất trắng. Hiện người dân trong tỉnh đang tập trung khôi phục diện tích cây cà phê và hồ tiêu này.

  Người dân mua tiêu giống để trồng lại những diện tích bị chết do nắng hạn. Ảnh: L.N
Người dân mua tiêu giống để trồng lại những diện tích bị chết do nắng hạn. Ảnh: L.N

Hơn 12.600 ha cây cà phê và hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng tập trung chủ yếu tại các huyện: Đak Đoa, Chư Pah, Mang Yang, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, ước thiệt hại hơn 587,7 tỷ đồng. Để giúp người dân khôi phục diện tích bị thiệt hại, ngoài việc cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định (4 triệu đồng/ha bị mất trắng và 2 triệu đồng/ha bị thiệt hại 30-70%), các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp từ tập huấn kỹ thuật khôi phục đến các biện pháp cắt bỏ và tái canh trên cây cà phê và hồ tiêu. Theo đó, đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành thì giải pháp duy nhất là cưa đốn phục hồi. Còn đối với diện tích cà phê chỉ bị khô chết những cành thứ cấp nhưng cành cơ bản vẫn còn khả năng tái sinh thì tập trung chăm sóc, bón phân giúp chồi non phát triển và tiến hành cắt bỏ những cành khô để tái tạo bộ tán mới…

Ông Trần Hữu Sanh (thôn 5, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho hay: “gia đình tôi có hơn 2.000 cây cà phê bị nắng hạn làm ảnh hưởng đến năng suất. Với diện tích già cỗi, tôi đã phá bỏ hơn 500 cây để tái canh. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, gia đình đã lấy giống từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện về trồng”. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: Ngoài việc cấp kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại, phòng đã triển khai tập huấn cho người dân phương pháp chăm sóc cây cà phê. Những diện tích bị thiệt hại trên 70% thì phòng khuyến cáo người dân nên phá bỏ, cưa để cây lên mầm hoặc chuyển đổi sang cây ăn quả trên những diện tích không có nguồn nước… Năm nay, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện đã đầu tư trên 280 triệu đồng để ươm hơn 120 ngàn cây giống cà phê cung cấp cho người dân trồng tái canh.

Nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh có diện tích cà phê và hồ tiêu bị thiệt hại trong đợt đại hạn vừa qua cũng đang tập trung nhiều giải pháp cùng với người dân khôi phục lại vườn cây. Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Đợt hạn vừa qua làm hơn 1.175 ha cây trồng của huyện bị thiệt hại. Trong đó, hồ tiêu 440 ha, cà phê 287 ha và một số cây trồng khác. Đối với hơn 287 ha cà phê bị thiệt hại tập trung chủ yếu tại các xã Ia Le, Ia Blứ và rải rác tại các xã Ia Dreng, Ia Hla, Ia Phang, huyện đã chỉ đạo xây dựng chương trình tái canh và ghép cải tạo nhằm thay thế các diện tích cà phê già cỗi. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm nước cho cây công nghiệp dài ngày, ứng dụng các chế phẩm sinh học, phát triển hồ tiêu bền vững và phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức diễn đàn “Giải pháp khôi phục sản xuất cà phê, hồ tiêu sau hạn hán kéo dài”. Huyện cũng đã phối hợp với Viện Ea Kmat xây dựng 2 mô hình tưới nước tiết kiệm tại xã Ia Dreng, diện tích 2 ha để nhân dân học tập vận dụng... Trong khi đó, tại huyện Chư Pah, ông Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay: Chư Pah là một trong những huyện có diện tích cà phê bị mất trắng nhiều nhất với hơn 194 ha và hơn 768 ha giảm năng suất từ 30% đến 70% tập trung tại xã Ia Mơ Nông, Ia Ka, Ia Nhin và thị trấn Ia Ly. Với những diện tích bị thiệt hại trên 70% thì người dân phá bỏ để trồng lại; những diện tích bị ảnh hưởng thì vụ này coi như mất trắng, người dân chủ yếu tập trung chăm sóc bón phân để cây phục hồi, tạo tán cho vụ sau.

 Lê Nam

Có thể bạn quan tâm