TN - Đất & Người

Khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc, tại Lâm Đồng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư, sản xuất có bước phát triển. Công tác y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội được chú trọng.

 

Mô hình nuôi bò giúp người dân thoát nghèo tại huyện Cát Tiên. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Mô hình nuôi bò giúp người dân thoát nghèo tại huyện Cát Tiên. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN



Trước khi có Nghị quyết 24, giai đoạn 2001 - 2005, toàn tỉnh Lâm Đồng có 49 xã, 64 thôn ở vùng dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trên 55%, còn nhiều hộ đói giáp hạt. Nhiều xã chưa có trường học, trạm y tế và bác sĩ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên 30%; dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Giao thông đến trung tâm nhiều xã phần lớn chỉ đi được mùa nắng, ách tắc trong mùa mưa. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh dưới 50%, tỷ lệ dùng điện dưới 60%...

Thực hiện Nghị quyết 24, Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với sự quyết tâm cao,  người dân tích cực tham gia. Nhờ đó, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng từng vùng và tập quán canh tác của đồng bào. Trình độ sản xuất của bà con có bước phát triển, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả.

Các chính sách đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đã góp phần phát triển toàn diện vùng nông thôn dân tộc thiểu số. Đồng bào đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa các khu vực. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn hộ đói giáp hạt. Tỷ lệ hộ nghèo từ 55% (theo tiêu chí cũ), đến năm 2017 giảm còn 12,2% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều). Tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Các vấn đề bức xúc trong cộng đồng được giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng.


 

Gia đình anh K’Brop, dân tộc K’Ho, ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vay vốn ưu đãi đầu tư mở rộng diện tích trồng cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt/ TTXVN
Gia đình anh K’Brop, dân tộc K’Ho, ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vay vốn ưu đãi đầu tư mở rộng diện tích trồng cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt/ TTXVN




Đến nay, toàn tỉnh có 38/49 xã và 19/129 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III; còn 11 xã và 110 thôn, buôn đặc biệt khó khăn cần tiếp tục đầu tư trong giai đoạn tiếp theo. Công tác tạo nguồn, xây dựng quy hoạch cán bộ được quan tâm thực hiện, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chất lượng cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng nâng lên. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Công tác phát triển Đảng luôn được quan tâm thực hiện, trong đó ưu tiên phát triển đảng viên trẻ, đảng viên nữ, đảng viên trí thức… là người dân tộc thiểu số. Đến nay, hầu hết thôn, buôn đã có chi bộ, không còn thôn, buôn trắng đảng viên.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện  các chính sách dân tộc vẫn còn một số tồn tại như: Thu nhập bình quân đầu người trong vùng dân tộc thiểu số còn thấp. Tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn xảy ra. Công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư, đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hộ nghèo, lao động thiếu việc làm còn ở mức cao. Việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm. Đời sống một bộ phận đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số còn dàn trải, chưa tập trung, hiệu quả chưa cao.  

Thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng và phát huy lực lượng cốt cán, người có uy tín vùng dân tộc; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc để giữ vững ổn định chính trị vùng đồng bào dân tộc. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc bình quân mỗi năm từ 4 - 5%. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc tăng lên gấp hai lần so với năm 2015. Tỉnh tiếp tục đầu tư, thực hiện chính sách phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao trong vùng đồng bào dân tộc một cách đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả.

Đặng Tuấn (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm