(GLO)- Anh Trần Đình Khởi ở phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa năm nay 37 tuổi nhưng nhìn thoáng qua người ta cứ tưởng anh phải ngoài 50 bởi dáng người nhỏ thó, gầy còm, nước da vàng bủng vì bệnh lao phổi.
Khoảng 80% bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có liên quan đến hút thuốc lá. Ảnh: T.Đ |
Ngồi còng lưng vuốt ngực sau một cơn ho sặc sụa, khi chúng tôi hỏi thăm về nguồn cơn bệnh tật của mình, anh không hề né tránh mà sẵn sàng giãi bày. “Tại hút thuốc lá cả đấy. Tôi lén gia đình hút thuốc lá từ hồi còn học sinh, đến giờ đã gần hai chục năm, ngày nào cũng đều đặn 1 gói thuốc. Hàng ngày bị ho nhưng không để ý lắm. Vừa rồi bị tức ngực, lại hay lên cơn sốt về chiều, ăn kém nên người gầy đi nhanh chóng phải nhập viện điều trị bệnh lao tràn dịch màng phổi”-anh Khởi nói.
Trường hợp như anh Khởi ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi không phải là hiếm. Bác sĩ Nguyễn Đại-Giám đốc Bệnh viện, cho hay, mỗi ngày bệnh viện thu dung điều trị khoảng 70 bệnh nhân nội trú. Trong đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân hút thuốc lá trên hai chục năm nhập viện vì bị bệnh liên quan đến phổi hoặc bị lao. Có người khi được bác sĩ giải thích họ còn chống chế là sao hút mấy chục năm mà vẫn bình thường, giờ lại bị bệnh. Phải đến khi bác sĩ chỉ cho xem phim chụp X-quang phổi bị thủng rỗ nhiều chỗ và giải thích cặn kẽ thì họ mới hiểu ra mà thừa nhận cái sai của mình.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đại, cá biệt có trường hợp bệnh nhân người dân tộc thiểu số bị bệnh liên quan đến phổi phải nhập viện điều trị đến lần thứ 2 vì cứ hết bệnh là họ về nhà tiếp tục hút thuốc lá hoặc thuốc rê vấn từ lá cây thuốc lá tự trồng. Không chỉ đàn ông mà có cả phụ nữ bị lao phổi nhập viện vì hút thuốc lá.
Bác sĩ Đại cảnh báo: “Hút thuốc lá là con đường gần nhất dẫn đến bệnh lao, phổi. Và nghiêm trọng hơn, trong khói thuốc lá có đến 40 hóa chất có thể dẫn đến các bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi. Vì vậy, mọi người hãy cố gắng từ bỏ thói quen hút thuốc lá”.
Trần Đức