(GLO)- Đang ở thời điểm giao mùa, trời chuyển lạnh đột ngột, khắp các bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân đông kín người bệnh đến khám, nhất là trẻ em và người cao tuổi bị mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, cảm cúm.
Tiêm phòng vắc xin cúm mùa cho trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa một số nhóm cúm nguy hiểm. Ảnh: T.Đ |
Bệnh cảm cúm theo mùa do vi rút cúm gây ra. Bệnh thường lành tính và tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh cúm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nặng và tử vong như cúm do vi rút H1N1, vi rút H5N1… Trong khi đó, triệu chứng để phân biệt cảm lạnh và cúm, hay các chứng bệnh đường hô hấp không rõ ràng, dễ khiến chúng ta bị nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để nhận biết các chứng bệnh này, cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả như thế nào?
Còn theo khảo sát của cơ quan y tế, một người bình thường có thể mắc bệnh cúm 4-6 lần/năm. Đây là bệnh lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng qua không khí. Tần suất mắc bệnh ở người lớn là 15-20%, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em là 20-42%.
Về cách phòng-chống cảm cúm, bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Khoa Nhi (Bệnh viện Nhi Gia Lai) cho hay, có hàng ngàn loại cúm khác nhau nên không thể dùng vắc xin để phòng tránh hết được. Nhưng tích cực nhất vẫn là chích ngừa cúm để phòng tránh được một số nhóm cúm nguy hiểm. Ngoài ra, cần tăng thoáng khí môi trường xung quanh, hạn chế khả năng tiếp xúc nguồn bệnh, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý nhằm giúp cơ thể duy trì khả năng đề kháng. Khi bị bệnh, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơ thể, nếu bệnh trở nặng nên đến các cơ sở y tế uy tín để có sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị bệnh đúng, kịp thời, dùng thuốc hiệu quả mà không bị các tác dụng phụ. |
Bệnh cúm khiến cho cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc, học tập. Tuy nhiên, khi mắc bệnh cúm, người bệnh lại có tâm lý không quan tâm đến điều trị dứt điểm. Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai cho rằng đây là một tâm lý sai lầm vì bệnh cúm nếu không được điều trị, cộng với tình trạng sức khỏe không tốt, sẽ dễ dẫn tới những biến chứng. Những bệnh nhân cúm ở thể nặng đều phải được thăm khám lâm sàng hoặc cận lâm sàng, cần được chụp X-quang để theo dõi giám sát vì diễn biến tổn thương của bệnh cúm diễn ra rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi cấp tính do vi rút, suy hô hấp-một dạng biến chứng rất nặng của cúm và thường diễn ra ở các dịch cúm, xảy ra ở tất cả mọi người.
Đối với các thể bệnh cúm thông thường, bác sĩ Từ Thị Mai Linh hướng dẫn: Có thể giải quyết triệu chứng sốt, đau đầu, đau nhức mình mẩy bằng thuốc Paracetamol. Đối với hắt xì, sổ mũi, nghẹt mũi thì dùng thuốc có hoạt chất Phenylephrine và Chlorpheniramine. Có thể uống các loại thuốc kết hợp ba hoạt chất này để giảm các triệu chứng cảm, giảm đau đầu, chống viêm, phù nề ở đường hô hấp. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước. Nên mua gói thuốc oresol (thành phần là glucose và một số muối của nhóm halogen) để pha uống thêm trong trường hợp bị sốt cao, nôn trớ hoặc tiêu chảy nhiều.
Trần Đức