Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã được thông qua tại phiên họp thứ 33 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO (ICC-MAB) diễn ra tại Nigeria từ ngày 13 đến ngày 17-9.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại cuộc họp bỏ phiếu thông qua hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Phương Linh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại phiên họp bỏ phiếu thông qua hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Phương Linh

Tối 15-9, phiên họp thứ 33 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO (ICC-MAB) diễn ra tại Nigeria đã tiến hành bỏ phiếu thông qua hồ sơ các khu dự trữ sinh quyển trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có 2 khu dự trữ sinh quyển được đưa ra bỏ phiếu trong dịp này là Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) và khu dự trữ sinh quyển là núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận).

Buổi bỏ phiếu được truyền tải bằng hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị có đại diện 34 thành viên của ICC-MAB và các đại biểu thuộc các quốc gia thành viên của UNESCO và các Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh và ban lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Sau khi xem video giới thiệu cũng như nghe thuyết minh về hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng và Khu dự trữ sinh quyển núi Chúa chính thức được thông qua. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có tổng diện tích 413.511,67ha (bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; một phần diện tích của 5 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ và thị xã An Khê-PV), gồm 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ của khu vực Tây Nguyên và mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh: Sau khi được công nhận, UBND tỉnh Gia Lai cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm đảm bảo các tiêu chí và chức năng của một khu dự trữ sinh quyển, biến Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học…

Khu dự trữ sinh quyển Cao Nguyên Kon Hà Nừng sở hữu hệ thống thác ghềnh đa dạng, mang vẻ đẹp hùng vỹ. Ảnh tài liệu
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu hệ thống thác ghềnh đa dạng, mang vẻ đẹp hùng vỹ. Ảnh tài liệu


Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động-thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Đó là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Theo quy định khu dự trữ sinh quyển cần phải đạt được 7 tiêu chí: có các hệ sinh thái đại diện vùng địa lý sinh học; có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ hội cho phát triển bền vững vùng; có diện tích đủ lớn; thực hiện đầy đủ 3 chức năng: bảo tồn, phát triển và trợ giúp; có sự tham gia của cộng đồng; có cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng.

Trước đó, Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà; Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng; Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang; Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau; Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.

 

PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm