Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai chủ động phòng-chống lụt bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và khu vực phía Đông nói riêng tiếp tục có mưa với lượng mưa trung bình 80-150 mm, có nơi trên 200 mm, mực nước các sông suối tiếp tục dâng cao. Để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, UBND các huyện, thị xã phía Đông tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chủ động ứng phó lụt bão.
Để chủ động phòng-chống lụt bão, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc việc trực ban 24/24 giờ, kịp thời cảnh báo và tham mưu các biện pháp phòng ngừa nhằm ứng phó, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng trang-thiết bị máy móc, ca nô, xuồng máy và đặt tại những nơi thuận tiện, dễ di chuyển nhằm sẵn sàng phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện cần thiết.
Xã Lơ Ku (huyện Kbang) là địa phương thường xuyên bị thiệt hại do mưa lũ trong những năm qua. Do đó, bước vào mùa mưa bão năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn.
Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Trong những ngày mưa bão vừa qua, xã đã tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thiên tai. Đồng thời, phân công lực lượng đi kiểm tra và chốt chặn các điểm xung yếu, tuyên truyền, vận động người dân không được qua các ngầm tràn, suối khi nước lũ chảy xiết; không được qua đêm tại các chòi rẫy cũng như cột trâu, bò gần sông, suối…”.
Người dân không được qua lại các ngầm tràn khi nước lũ chảy xiết. Ảnh: Quang Tấn
Người dân không được qua lại các ngầm tràn khi nước lũ chảy xiết. Ảnh: Quang Tấn
Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, Phòng đã tham mưu UBND huyện tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai trong cộng đồng; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch chuẩn bị vật tư, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” và dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men để ứng phó khi xảy ra thiên tai…
Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak xây dựng phương án phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Trên cơ sở đó, tổ chức tuyên truyền cho bà con vùng hạ du biết được việc xả lũ trong mùa mưa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Công nhân Thủy điện An Khê-Ka Nak diễn tập phòng-chống lụt bão. Ảnh: Ngọc Minh
Công nhân Thủy điện An Khê-Ka Nak diễn tập phòng-chống lụt bão. Ảnh: Ngọc Minh
Tương tự, tại huyện Kông Chro, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ huy các xã, thị trấn; phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách thôn, làng thường xuyên bám sát địa bàn, rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ, triển khai di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các đập thủy điện, thủy lợi; phối hợp cập nhật thông tin việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện An Khê-Ka Nak, lũ qua tràn thủy điện Đak Pi Hao, Đak Srông 2, 2A để kịp thời thông báo cho người dân vùng bị ảnh hưởng chủ động phòng tránh…  
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: “Với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay trước mùa mưa bão, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khẩn trương gia cố các công trình giao thông, thủy lợi tại những điểm xung yếu; phân công lực lượng tổ chức trực 24/24 giờ ở những nơi thường xuyên bị cô lập, lũ quét, sạt lở đất, nhất là vùng ven sông suối, hồ đập khi xảy ra mưa lớn. Phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về phòng tránh hậu quả do thiên tai gây ra cũng như những kiến thức, kinh nghiệm ứng phó khi xảy ra thiên tai”.
Trong những ngày qua, UBND tỉnh liên tục có các công điện, công văn hỏa tốc chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão số 7. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành của tỉnh, các địa phương, chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ, công điện của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai; các công điện của UBND tỉnh. Các ngành, địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng-chống mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; hạn chế thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm