(GLO)- Sau phần khai mạc, Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá XI (nhiệm kỳ 2016-2021) đã bước vào buổi làm việc đầu tiên. Các đại biểu đã được nghe đại diện HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ngành báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019; cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,22%
Trong 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo thực hiện của UBND, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cùng sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nhìn chung, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà nhấn mạnh: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,22%, trong đó nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 2,37%; công nghiệp- xây dựng tăng 9,5%; dịch vụ tăng 8,08%; thuế sản phẩm tăng 8,56%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước thực hiện 11.070 tỷ đồng, đạt 42,58% kế hoạch, tăng 14,39% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 255 triệu USD, bằng 51% kế hoạch, tăng 1,41% so với cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 2.455 tỷ đồng, bằng 54,51% dự toán Trung ương giao, bằng 50,05% dự toán HĐND tỉnh giao (bằng 49,1% kế hoạch phấn đấu), tăng 7,64% so với cùng kỳ”.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 60 xã (chiếm 32%) đạt chuẩn nông thôn mới, nâng bình quân tiêu chí đạt/xã là 12,92 tiêu chí; thành phố Pleiku đang hoàn chỉnh các thủ tục trình Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018; thị xã An Khê đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Cũng trong 6 tháng đầu năm đã có 435.400 lượt khách du lịch đến Gia Lai, đạt 51,8 % kế hoạch, tăng 26,2% so với cùng kỳ (trong đó, có 7.800 lượt khách quốc tế, tăng 19,3%). Doanh thu du lịch ước đạt 154 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ...
Cùng với đó, Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tiếp nhận 14.726 hồ sơ, giải quyết 13.607 hồ sơ, đang giải quyết 1.117 hồ sơ, có 2 hồ sơ trễ hạn. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018 của tỉnh đứng thứ 33 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, tăng 10 bậc so với năm 2017. “Trong 6 tháng đầu năm có 15 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.998 tỷ đồng. Có 77 dự án được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuât thực hiện với tổng vốn đăng ký khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho 27 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 35 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng 4.090,5 MWp và 17 nhà đầu tư triển khai khảo sát, đo gió để nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án, với tổng công suất dự kiến khoảng 3.571 MW”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà, báo cáo rõ tại kỳ họp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, thông tin, truyền thông có bước phát triển; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm... một số vấn đề bức xúc của xã hội được quan tâm giải quyết; chính trị- xã hội ổn định, quốc phòng- an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cũng chỉ rõ các mặt còn tồn tại, hạn chế. “Thời gian qua, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành chưa cao; việc kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án khởi công mới còn chậm, giải ngân đạt thấp; vẫn còn xảy ra cháy rừng, tình trạng vi phạm Lâm luật vẫn diễn ra ở một số địa phương; tình hình trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, phạm pháp hình sự, tội phạm ma túy gia tăng, tình trạng vay tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn xảy ra ở một số địa phương...”- Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang, nêu rõ.
Ngành nông nghiệp gặp khó
6 tháng đầu năm, “bức tranh” nông nghiệp của tỉnh đã gặp những khó khăn nhất định. Băn khoăn về hạn chế này, đại biểu Dương Văn Trang- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Vừa qua, dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn một số địa phương; một số chương trình, dự án lĩnh vực nông nghiệp triển khai còn chậm”.
Theo đó, vụ đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh gieo trồng được 69.123 ha cây trồng các loại, đạt 101,84% kế hoạch, tăng 1,57% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực đạt 168.961 tấn, bằng 104,31% kế hoạch, tăng 3,3% (tăng 5.405 tấn). Sản xuất vụ mùa năm 2019, tính đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được khoảng 135.707 ha cây trồng các loại, đạt 64,8% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Nhìn chung, diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có một số cây trồng chính không đạt kế hoạch do tình hình hạn hán và sâu bệnh... Cụ thể, cây bắp 3.951 ha, bằng 90,92% kế hoạch, giảm 13,79% so với cùng kỳ; thuốc lá 3.740 ha, đạt 100,41% kế hoạch, giảm 5,62%... “Đặc biệt, do hạn hán kéo dài và giá đường, giá mía nguyên liệu giảm mạnh đã ảnh hường đến sản xuất, thu mua nguyên liệu mía của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người trồng mía nên đến thời điểm này người dân chỉ trồng mới 4.651 ha, bằng 85,89% kế hoạch, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2018”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà, thông tin tại kỳ họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ảnh: Đức Thụy |
Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước và tại địa phương đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 14-5 đến ngày 20-6-2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 209 hộ, 39 thôn, 15 xã của 4 huyện Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ và Phú Thiện. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp là 1.290 con với tổng khối lượng 32.686 kg . Bệnh xảy ra chủ yếu ở lợn địa phương, lợn rừng lai nuôi thả rong ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tập trung triển khai các biện pháp phòng, ngăn chặn dịch phát sinh, lây lan và thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời; đồng thời, cấp hỗ trợ cho các địa phương 905 lít hóa chất benkocid, 39.905 kg vôi bột và 100 bộ đồ bảo hộ để tổ chức chong dịch; vận động các tổ chức, hộ gia đình triển khai tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi...
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà cũng cho biết: năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 5.547,36 ha hồ tiêu chết với 32.278 hộ có tiêu chết. Trong đó, tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ hơn 4.535 ha; già cỗi gần 57 ha; sâu bệnh hơn 955 ha. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tiêu chết trên địa bàn là do trong năm 2018 tình trạng mưa kéo dài khác thường trên diện rộng dẫn đến cây hồ tiêu chết hàng loạt ở các địa phương trong tỉnh, hiện UBND tỉnh đã để đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hỗ trợ khắc phục thiệt hại, giúp đỡ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, UBND tỉnh trình 28 dự thảo nghị quyết xin ý kiến HĐND tỉnh; các Ban HDND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình tại kỳ họp; báo cáo kết quả giám sát “Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã gửi đến Kỳ họp thứ Sáu chưa được giải quyết và các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XI.
Chiều nay, kỳ họp tiến hành thảo luận tổ. Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Dung Tấn