Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 20-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách liên quan đến việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Cụ thể, cuộc họp trực tuyến triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch, phương án đón công dân từ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương trở về; tháo gỡ vướng mắc trong tuyển sinh lớp 6 và lớp 10 ở các trường phổ thông dân tộc nội trú năm học 2021-2022.

Toàn tỉnh có 104 xã khu vực I, 29 xã khu vực II và 43 xã khu vực III theo danh sách được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giảm 18 xã khu vực III, giảm 78 xã khu vực II so với Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ). Theo số liệu Bảo hiểm Xã hội tỉnh quản lý, số người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và số người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế giảm khoảng 271.000 người (tương ứng giảm 17,31% tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế/dân số toàn tỉnh) so với trước.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện


Qua khảo sát, có trên 6.500 công dân Gia Lai ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương có nguyện vọng về lại tỉnh. Theo kế hoạch đón công dân từ vùng dịch, các đối tượng được ưu tiên gồm: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hiểm nghèo, lao động tự do là hộ nghèo, dân tộc thiểu số… với số lượng 1.000 người.

Sau khi nghe đại diện các sở, ban, ngành và địa phương báo cáo, tham mưu, đề xuất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần phải kịp thời để người dân thấy được chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước. Các địa phương cần triển khai sớm, nhanh chóng đưa chính sách đến người lao động và người sử dụng lao động; hướng dẫn người dân làm hồ sơ. Các hồ sơ hợp lệ thì chi ngay, công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Về Quyết định số 861/QĐ-TTg, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, đánh giá đầy đủ, thống kê, phân loại các đối tượng cần hỗ trợ ngay bảo hiểm y tế để làm nhanh cho người dân. Việc tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 ở các trường phổ thông dân tộc nội trú năm học 2021-2022 cần rà soát các chính sách, nhất là các chính sách cho học sinh để có sự hỗ trợ, động viên các em đến trường. Việc đón công dân về, trong tuần này phải tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn phòng-chống dịch.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, các địa phương cần lên phương án sẵn sàng trong phòng-chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; rà soát toàn bộ các chủ trương, chính sách; trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc thì thông tin ngay về Ban Chỉ đạo tỉnh để nhanh chóng tháo gỡ. Các địa phương rà soát nguồn vật tư thiết yếu, trang-thiết bị phòng-chống dịch, chủ động bổ sung và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

 

NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm