Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Kịp thời ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 5 sau khi vào sát đất liền đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các địa phương tiếp tục triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với mưa, gió, lũ quét.
Chủ động ứng phó
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung Bộ nối với cơn bão Conson kết hợp đới gió Tây Nam có cường độ trung bình nên một số khu vực phía Đông, Tây và giữa tỉnh Gia Lai có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và giông. Tổng lượng mưa phổ biến là 10-30 mm/12 giờ, có nơi trên 50 mm/12 giờ, mưa tập trung vào chiều và đêm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Do đó, UBND tỉnh có Công văn số 1284/UBND-NL yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với thiên tai hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Do ảnh hưởng của bão số 5, tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh những ngày qua có mưa và kèm theo gió mạnh. Để chủ động ứng phó với thiên tai, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, sẵn sàng với phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và hậu cần tại chỗ. Theo ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa: “Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về những hiểm họa có thể xảy ra khi lũ ống từ các sông, suối đổ về. Đặc biệt, vận động người dân tuyệt đối không được lội qua suối khi nước lớn. Ngoài ra, huyện đã xây dựng phương án phòng-chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”; thành lập đội xung kích phòng-chống thiên tai cấp xã ứng trực 24/24 giờ tại những nơi có nguy cơ ngập lũ, sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng từ lực lượng đến phương tiện, nhu yếu phẩm để ứng phó với mưa bão”.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) tuyên truyền người dân không ra ngoài để tránh bão số 5. Ảnh: Ngọc Minh
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) tuyên truyền người dân không ra ngoài để tránh bão số 5. Ảnh: Ngọc Minh
Tại huyện Kông Chro, ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: “Trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền, qua theo dõi tình hình, UBND huyện yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xuống địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra công tác phòng-chống bão; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình 2 giờ/lần cho Ban Chỉ huy. Các xã, thị trấn bố trí lực lượng ứng trực và phân công kiểm tra, vận động người dân chằng chống nhà cửa, đưa trâu bò, tài sản ở vùng thấp lên vùng an toàn. Đặc biệt, xã Đak Tơ Pang và Đak Pling chú ý những điểm sạt lở để có kế hoạch xử lý nếu có sự cố. Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó với thiên tai”.
Tại huyện Chư Păh, ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Chiều 11-9, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở, hư hỏng nhiều đoạn kênh mương của thủy lợi Ia Naih (xã Ia Phí). Cụ thể, tại vị trí cách đập đầu mối khoảng 500 m có khoảng 40 m kênh mương đã bị đổ, lật nghiêng và sạt lở, không còn khả năng dẫn nước. Ngoài ra, còn 2 vị trí khác tại nhánh kênh mương này cũng đã bị rạn nứt nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng và người dân gia cố tạm thời để hạn chế ảnh hưởng đến hoa màu. Được biết, công trình thủy lợi Ia Naih xây dựng năm 2002, gia cố lại năm 2017, phục vụ nước tưới cho khoảng 50 ha cây trồng.
Khẩn trương khắc phục thiệt hại
Mặc dù đã chủ động các biện pháp để ứng phó với mưa bão nhưng do ảnh hưởng của gió mạnh đã làm tốc mái một số nhà dân, phòng học và ngã đổ hoa màu tại huyện Đak Pơ và Kông Chro. Đặc biệt, tại huyện Krông Pa, lũ quét đã cuốn trôi 1 người dân tại xã Đất Bằng. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Krông Pa, khoảng 16 giờ ngày 9-9, do mưa lớn kèm theo lũ ống từ các suối đổ về, bà Rơ Ô H’Niên (buôn Ia Prong, xã Đất Bằng) khi đi làm về qua suối Ia Rnho không may bị nước cuốn trôi. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng và người dân đã khẩn trương tổ chức tìm kiếm. Đến sáng 10-9, thi thể nạn nhân được tìm thấy cách vị trí bị nạn khoảng 5 km. “Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra tình hình và chỉ đạo các lực lượng cùng người dân bằng mọi giá phải tìm kiếm nạn nhân. Đến ngày 10-9, đã tìm thấy thi thể nạn nhân, bàn giao cho gia đình lo mai táng. Huyện cũng đã xuất kinh phí 18 triệu đồng hỗ trợ gia đình có người bị nạn, động viên người nhà sớm vượt qua đau thương”-Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo thông tin.
Ruộng bắp của người dân xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Lê Nam
Ruộng bắp của người dân xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) bị ngã đổ do mưa bão. Ảnh: Lê Nam
Còn tại huyện Đak Pơ, bão số 5 gây mưa lớn kèm gió mạnh đã làm tốc mái 6 nhà dân và 1 phòng học, sập nhà để xe của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Hà Tam). Ngoài ra, mưa bão còn làm khoảng 46 ha rau màu của người dân bị ngã đổ. Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Đến thời điểm này, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ban giám hiệu các trường học bị tốc mái khẩn trương khắc phục để đảm bảo cho học sinh đến trường. Đồng thời, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà để ổn định chỗ ở. Các xã, thị trấn vận động người dân thu hoạch những diện tích cây trồng đã đủ độ chín và khôi phục những diện tích bị ngã đổ tiếp tục chăm sóc để giảm thiểu thiệt hại”.  
Nhà để xe của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Hà Tam) bị sập do bão số 5. Ảnh: Ngọc Minh
Nhà để xe của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) bị sập do bão số 5. Ảnh: Ngọc Minh
Tại huyện Kông Chro, gió lớn đã làm tốc mái 2 nhà dân ở xã Đak Song và Chư Krêy. Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Ngay sau khi xảy ra gió lốc, UBND xã đã xuống hiện trường để hướng dẫn, tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, hạn chế ra ngoài để tránh bão. Hiện nay, xã đã cử lực lượng hỗ trợ các hộ dân bị tốc mái lợp lại nhà để sớm ổn định cuộc sống. Xã cũng hỗ trợ một phần kinh phí để mua tôn mới về lợp lại mái nhà”.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) sửa chữa nhà ở bị tốc mái. Ảnh: Ngọc Minh
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân xã Chư Krêy (huyện Kông Chro) sửa chữa nhà ở bị tốc mái. Ảnh: Ngọc Minh
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Trước ảnh hưởng của cơn bão số 5, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành các văn bản về việc triển khai các biện pháp ứng phó mưa lớn, lốc, sét và gió mạnh gửi các địa phương. Đồng thời, thông báo cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên về mưa bão qua nhóm Zalo phòng-chống thiên tai để các địa phương chủ động tổ chức các biện pháp phòng-chống. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân”.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn tỉnh có 10 nhà dân bị tốc mái (huyện Đak Pơ 6 căn, Kông Chro 3 căn, Chư Sê 1 căn); 314 ha cây trồng bị ngã đổ hoặc ngập cục bộ (huyện Phú Thiện 225,5 ha, Đak Pơ 46 ha, Mang Yang 5 ha, Krông Pa 2 ha, thị xã Ayun Pa 32 ha, TP. Pleiku 3,5 ha). Ngoài ra, gió lớn làm tốc mái 1 phòng học và sập nhà để xe của học sinh, gãy cổng Trạm Y tế xã Hà Tam (huyện Đak Pơ); tốc mái 1 phòng học mầm non tại xã Chư Krêy (huyện Kông Chro). Sạt lở một số tuyến đường tại xã Uar và xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Đặc biệt, ngày 9-9, tại xã Đất Bằng có 1 người bị nước suối cuốn trôi.
LÊ NAM - NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm