Gia đình anh A Quân, ở làng Kon Ktonh có 4 sào đất cạnh sông Pne. Đám đất này trước đây thường trồng mì để làm rượu cần. Khi huyện triển khai trình diễn bắp lai, thấy dễ làm, mà lại hiệu quả, A Quân đã chuyển sang trồng bắp vài năm nay. Anh cho biết: Trước đây, cũng trồng bắp nhưng là bắp trắng để ăn và làm rượu, không biết trồng bắp lai, giờ đây bà con đã biết trồng cây bắp lai rồi. Bắp cho thu nhập nhiều hơn, trồng cũng dễ, chăm sóc cũng được, mình không bón phân nó cũng tốt nhưng vụ này do hạn hán không được tốt lắm. Nhiều bà con cũng trồng như mình.
Dọc triền sông Pne, giờ đây xanh ngắt bắp lai. Những khu đất trước đây là lau lách, dây sắn rừng bò chùm kín đất, nay được bà con khai phá trồng bắp. Diện tích nhiều hơn vẫn là làng Kon Hleng, Kon Ktonh. Gia đình chị Đinh Hlăng, ở làng Kon Hleng cũng trồng bắp vài năm nay, cho thu nhập khá. Chị cho biết, làm lúa nước cũng dư ăn, nay làm thêm bắp bán để có thêm tiền làm việc khác. Chị Hlăng cười: Mình tự học hỏi cách trồng bắp, mỗi năm thu được 5 triệu đồng. Trồng bắp không khó lắm, chỉ chịu khó làm cỏ là được. Mong muốn sau này được hướng dẫn thêm về cách làm để cho quen.
Nói về việc chuyển sang trồng bắp lai, ông Đinh Aliếu- Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho biết: Năm nay, Đảng ủy và UBND xã tập trung chỉ đạo cho bà con trồng bắp những diện tích ven sông, suối. Những diện tích không đảm bảo nước tưới đã chuyển từ lúa nước sang cây bắp lai. Nhờ chăm sóc tốt nên bắp khá tốt, hy vọng sẽ là nguồn thu nhập thêm để xóa đói giảm nghèo.
Việc đưa cấy bắp lai trồng ở Kon Pne là hướng đi đúng, được bà con trong xã chấp nhận. Tuy nhiên, với Kon Pne do ở xa trung tâm huyện, giao thông chưa thuận lợi nên sản phẩm trong xã làm ra đang phải bán với giá rẻ. Mặt khác, việc nắm bắt khoa học kỹ thuật đang rất cần có sự hướng dẫn của ngành chuyên môn. Trong khi chưa có cây trồng khác hiệu quả hơn, có thể nói cây bắp lai đang góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững của nông dân xã Kon Pne.
Như Hướng